Sau một năm, vụ chặt đầu giáo viên vẫn ám ảnh nước Pháp

Cái chết của ông Samuel Paty vào năm 2020 đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về vấn đề an ninh và nhập cư, đồng thời làm lung lay chủ nghĩa thế tục trong xã hội Pháp.

Ngày 16/10, hầu hết trường học trên khắp nước Pháp đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ thầy giáo Samuel Paty. Một năm trước, thầy Paty đã bị sát hại bởi một người Hồi giáo cực đoan sau khi ông cố gắng minh họa cho học sinh về tự do ngôn luận.

Cụ thể, ông Paty đã trưng bày một số bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Sự việc này sau đó bị lan truyền và bóp méo, làm dấy lên sự phẫn nộ trong cộng đồng tín đồ Hồi giáo tại Pháp và kết thúc bằng việc Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, chặt đầu ông Paty vào ngày 16/10/2020.

Tròn một năm sau cái chết của ông Paty, trên trang nhất tờ nhật báo Le Monde của Pháp xuất hiện dòng tiêu đề: “Paty: Vết thương lâu dài”, cho thấy người Pháp vẫn chưa hết bàng hoàng về sự kiện nói trên.

 Học sinh tại một trường trung học ở Paris (Pháp) tham gia phút mặc niệm tưởng nhớ thầy giáo Samuel Paty, người bị sát hại bởi một phần tử Hồi giáo cực đoan vào năm 2020. Ảnh: Shutterstock.

Học sinh tại một trường trung học ở Paris (Pháp) tham gia phút mặc niệm tưởng nhớ thầy giáo Samuel Paty, người bị sát hại bởi một phần tử Hồi giáo cực đoan vào năm 2020. Ảnh: Shutterstock.

Cái chết gây chấn động

Vụ giết người ở ngoại ô phía bắc Paris đã gây ra những tác động trầm kha đối với nước Pháp. Bởi lẽ, người Pháp xem trường học là nơi công dân được rèn giũa thông qua việc đặt câu hỏi, chấp nhận sự khác biệt, bảo vệ đức tin và đặt những giá trị của nền cộng hòa lên trên bản sắc dân tộc và tôn giáo, theo New York Times.

Cái chết của ông Paty đã thổi bùng những cuộc tranh luận về vấn đề an ninh và nhập cư ở Pháp, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa cấp tiến trong nền chính trị nước này trước thềm cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm 2022.

Vụ sát hại ông Paty được cho là đã vô tình khiến phe cánh hữu ở Pháp chiếm ưu thế trong cuộc đua tổng thống. Bởi lẽ, các chính trị gia cánh tả chưa tìm được câu trả lời cho những lo ngại về vấn đề an ninh ở Pháp sau cái chết của thầy giáo 47 tuổi.

Vào tháng 4, tờ Journal du Dimanche công bố kết quả một cuộc thăm dò cử tri cho thấy 86% người Pháp xem an ninh là một vấn đề quan trọng khi cân nhắc bỏ phiếu, tăng 26% so với năm 2020.

Nỗi lo ngại về sự an toàn của cộng đồng đã khiến Éric Zemmour, chuyên gia truyền thông cực hữu ở Pháp, trở nên nổi tiếng với lập trường chống người nhập cư. Tuy nhiên, hiện ông Zemmour chưa chính thức ra tranh cử tổng thống, theo New York Times.

 Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (thứ hai từ trái sang) cùng một số quan chức bày tỏ sự lòng thành kính với thầy giáo Samuel Patty tại một lễ tưởng niệm ở Nice, Pháp. Ảnh: Reuters.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (thứ hai từ trái sang) cùng một số quan chức bày tỏ sự lòng thành kính với thầy giáo Samuel Patty tại một lễ tưởng niệm ở Nice, Pháp. Ảnh: Reuters.

Sự lung lay của hình mẫu thế tục

David Feutry, giáo viên lịch sử tại một trường trung học ở Dreux, cách Paris khoảng 80 km về phía tây, nói rằng kể từ sau cái chết của thầy Paty, ông “liên tục cảm thấy bản thân có sứ mệnh nhắc nhở rằng lý do chúng tôi có quyền chỉ trích tôn giáo, tại sao quyền tự do lương tâm và hình mẫu thế tục lại quan trọng”.

Trên lý thuyết, theo chủ nghĩa thế tục, xã hội Pháp chống lại sự phân biệt đối xử và nhà nước luôn duy trì sự trung lập đối với vấn đề tôn giáo. Hình mẫu thế tục hướng tới việc xóa bỏ những khác biệt về đức tin và sắc tộc giữa các công dân Pháp.

Ông Paty đã cố gắng minh họa hình mẫu nói trên trước các học sinh, sau đó ông phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Đối với một số tín đồ Hồi giáo và người nhập cư ở Pháp, hình mẫu thế tục được xem như một cách che đậy khéo léo cho chủ nghĩa phân biệt đối xử, theo New York Times.

Ông Feutry cho biết bản thân nhận thức được những vấn đề tồn tại trong lòng xã hội Pháp. Làm việc tại một thị trấn có nhiều người theo đạo Hồi, ông Feutry cảm thấy cần phải giải thích một cách tường minh cho các học sinh Hồi giáo về một số điểm, chẳng hạn như tại sao việc chỉ trích thần thánh không được xem là một tội ở Pháp.

“Paty không phải anh hùng, ông ấy là một nạn nhân”, ông Feutry nói. “Các học sinh của tôi cần hiểu về mức độ nguy hiểm của truyền thông và những tin đồn”.

 Các tư tế thuộc Nhà thờ Hồi giáo Paris tưởng niệm thầy giáo Samuel Paty trước ngôi trường ông dạy lúc sinh thời ở Conflans-Sainte-Honorine, Pháp vào ngày 15/10. Ảnh: AP.

Các tư tế thuộc Nhà thờ Hồi giáo Paris tưởng niệm thầy giáo Samuel Paty trước ngôi trường ông dạy lúc sinh thời ở Conflans-Sainte-Honorine, Pháp vào ngày 15/10. Ảnh: AP.

Emmanuel Menetrey, giáo viên lịch sử tại một trường học gần Dijon, phía đông nước Pháp, cho biết ông đã “choáng váng” khi nghe về cái chết của ông Paty.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng dạy học ở Pháp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, ông Menetrey nói. Ông đồng thời cho rằng thầy Paty đã chết vì “những lời nói dối vô liêm sỉ được lan truyền trên mạng xã hội”.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-mot-nam-vu-chat-dau-giao-vien-van-am-anh-nuoc-phap-post1271146.html