Sâu nặng nghĩa tình với Quảng Trị

Tròn 50 năm sau ngày quê hương Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, trở về thăm lại chiến trường xưa và đồng đội, hồi ức những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính Sư đoàn 308 anh hùng…

 Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của nhiều người lính Sư đoàn 308 -Ảnh: XUÂN VŨ

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của nhiều người lính Sư đoàn 308 -Ảnh: XUÂN VŨ

Nguyên Phó Trung đoàn trưởng về chính trị Trung đoàn 102 (còn gọi Trung đoàn Thủ đô), Sư đoàn 308, Đại tá Hoàng Kim Hiên không giấu nổi xúc động trước những đổi thay diệu kỳ trên cung đường số 9 khi về thăm lại chiến trường xưa.

Ông là người trưởng thành từ chiến sĩ trên trận tuyến đánh quân thù tại đồi Bằng, làng Cát, cắt đường tiếp viện của địch qua cầu Rào Quán trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968, rồi trải qua các trận đánh lớn nhỏ trên đất Quảng Trị. “Tôi tham gia đánh địch cả ba chiến dịch lớn ở Quảng Trị các năm 1968, 1971, 1972. Đơn vị “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, sau thắng lợi mỗi chiến dịch thì rút quân ra các tỉnh phía Bắc tiếp tục rèn quân, bổ sung lực lượng, chuẩn bị nhận mệnh lệnh chiến đấu mới.

Kỷ niệm sâu sắc trong đời binh nghiệp của tôi cũng gắn bó với nơi này. Nhớ nhất là những lần quần nhau với giặc gần cả tháng trời với cơm nhạt muối, sốt rét rừng, được Nhân dân giúp đỡ, đùm bọc; những lần theo người dân địa phương đi hái rau rừng cải thiện bữa ăn cho bộ đội, thấy ấm tình quân dân. Ngày xưa, các quả đồi dọc hai bên Quốc lộ 9 bị cày xới, băm nát, đầy những hố bom, hố pháo. Bây giờ trở lại, màu xanh cây trái phủ khắp lối chúng tôi qua, không còn nhận ra chỗ đồng đội hy sinh nằm lại đất này. Sự sống đang hồi sinh mãnh liệt như một sự đến bồi xứng đáng cho những hy sinh xương máu nơi đồng đội ngã xuống” - cựu chiến binh Hoàng Kim Hiên bồi hồi chia sẻ.

 Cựu chiến binh Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, chụp ảnh lưu niệm bên bia tưởng niệm liệt sĩ sư đoàn tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 -Ảnh: N.T.H

Cựu chiến binh Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, chụp ảnh lưu niệm bên bia tưởng niệm liệt sĩ sư đoàn tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 -Ảnh: N.T.H

Về thăm lại chiến trường xưa trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5/2022, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 do Đại tá Hoàng Kim Hiên làm trưởng đoàn trong đội hình toàn cựu chiến binh đã ngoài 70 tuổi, từng tham gia cả ba mùa chiến dịch lớn gắn liền với mảnh đất Quảng Trị. Đại tá Hoàng Kim Hiên kể: Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Sư đoàn 308 tham gia chiến đấu trực tiếp với quân chủ lực tinh nhuệ có trang bị vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ thời gian hơn một tháng, lập nhiều chiến công to lớn, góp phần buộc quân Mỹ phải rút chạy khỏi căn cứ Khe Sanh, trong đó có nhiều trận đánh nổi tiếng ở đồi Bằng, làng Cát của Trung đoàn 102; đánh ở điểm cao 680-Phu Nhoi của Trung đoàn 88… Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 chiến đấu liên tục 52 ngày đêm, tổ chức nhiều trận đánh và giành thắng lợi lớn ở điểm cao 500 trên đường số 6 Bản Đông.

Đặc biệt, Đại đội 7, Trung đoàn 102, chốt giữ kiên cường ở điểm cao 311 dưới mưa bom bão đạn, trở thành chốt thép anh hùng, góp phần quan trọng cho các đơn vị bạn tiêu diệt địch, đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy. Chiến dịch Xuân-Hè 1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị, Sư đoàn 308 đánh gần 800 trận lớn, nhỏ, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân và dân ta trên mặt trận Quảng Trị nói riêng cũng như chiến trường miền Nam nói chung, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy giành nhiều thắng lợi trong 3 chiến dịch, nhưng sư đoàn cũng chịu tổn thất về lực lượng với hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường.

Nhớ về đồng đội, hằng năm vào các dịp ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5; ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các cựu chiến binh Sư đoàn 308 chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị lại hành hương về nguồn thắp nén tâm hương tưởng nhớ đồng đội đang yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ và đồng đội chưa tìm thấy hài cốt nằm lại rải rác trên các bìa rừng, ngọn đồi. Ba mùa chiến dịch là khoảng thời gian đủ dài trong ký ức đời lính trận mạc gắn bó nghĩa tình với một vùng đất, vậy nên với nhiều cựu chiến binh thì mảnh đất Quảng Trị như quê hương thứ hai của mình. Nơi đây trở thành địa chỉ đi về tri ân, tưởng niệm đồng chí, đồng đội hy sinh. Và trong hành trình tri ân của cựu chiến binh Sư đoàn 308 luôn có địa chỉ quen thuộc dâng hương phần mộ nữ liệt sĩ ở Phường 4, TP. Đông Hà là Hồ Thị Bích Lan, người dẫn đường đưa bộ đội tấn công vào Đông Hà tháng 4/1972.

 Cựu chiến binh Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, thắp hương trên phần mộ liệt sĩ Hồ Thị Bích Lan (Nguyễn Thị Dưỡng) tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 - Ảnh: N.T.H

Cựu chiến binh Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, thắp hương trên phần mộ liệt sĩ Hồ Thị Bích Lan (Nguyễn Thị Dưỡng) tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 - Ảnh: N.T.H

Nguyên Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Quân đoàn 1, Đại tá Phạm Đức Hoàn xúc động kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về út Lan (Hồ Thị Bích Lan). Sau ngày huyện Gio Linh và Cam Lộ được giải phóng vào ngày 2/4/1972, trên đà thắng lợi, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công ngay vào khu trung tâm phòng ngự của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, không cho quân ngụy kịp củng cố lực lượng hoặc rút chạy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Sư đoàn 308 được giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt địch ở Đông Hà, Lai Phước. Do chưa chuẩn bị chu đáo và chưa có cách đánh phù hợp nên các mũi tiến công vấp phải sức kháng cự quyết liệt, bị tổn thất lớn và không thực hiện được kế hoạch. Để chuẩn bị đợt tiến công mới, Thị ủy Đông Hà cử thị ủy viên Hồ Thị Bích Lan phối hợp với Sư đoàn 308 từ ngày 10-25/4/1972 dẫn đường hoạt động trinh sát, móc nối cơ sở cách mạng nắm tình hình, bàn phương án tấn công địch, chú trọng kết hợp tấn công quân sự với nổi dậy của quần chúng. 5 giờ ngày 26/4, pháo binh ta trút bão đạn chế áp hoàn toàn quân ngụy, báo hiệu cuộc tiến công mới.

Chỉ huy Sư đoàn 308 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Bộ binh 36 đánh địch ở điểm cao 28, 30 phía Tây Bắc Đông Hà; Trung đoàn Bộ binh 88 đánh địch ở điểm cao 35, 37 phía Tây Đông Hà; Trung đoàn 102 Thủ đô đánh địch ở các điểm cao 32, 26 phía Tây Nam Đông Hà. Sau 10 phút bắn phá bằng hỏa lực, bộ binh ta trên cả 3 hướng ém sát quân ngụy. Đến chiều 27/4, Sư đoàn 308 đã làm chủ hầu hết căn cứ Đông Hà. Sáng 28/4, hai tổ du kích do Hồ Thị Bích Lan phụ trách dẫn đường cho 2 Trung đoàn bộ binh 88 và 102 tiến công chiếm được Trung Chỉ, Đại Áng và bắc cầu Lai Phước nhằm cô lập Đông Hà. 18 giờ ngày 28/4, Đông Hà hoàn toàn giải phóng.

“Đúng nửa tháng út Lan ở lại Sư đoàn 308, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm như cùng nhau đi trinh sát nắm tình hình bố trí lực lượng của địch, hái rau rừng cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Hôm chia tay sáng 26/4/1972, em tặng tôi tấm ảnh chân dung cỡ 4x6 và dặn giải phóng Đông Hà thì tới tìm em ở Ủy ban quân quản thị xã. Nhưng ngày giải phóng Đông Hà, cấp trên điều tôi ra Bắc gấp, rồi học hành bận rộn, mãi hơn 10 năm sau tôi mới quay lại thị xã Đông Hà tìm em và biết em hy sinh trong ngày tiến về tiếp quản thị xã 28/4/1972, lúc vừa tròn 24 tuổi. Một thời chiến trận, một đời nhớ thương. Vậy nên, còn sức khỏe là chúng tôi còn tìm về mảnh đất Quảng Trị sâu nặng nghĩa tình để tri ân đồng đội, đồng chí và đồng bào một thời đùm bọc giúp đỡ mình”, cựu chiến binh Phạm Đức Hoàn nghẹn ngào chia sẻ.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166802&title=sau-nang-nghia-tinh-voi-quang-tri