Sáu nhóm chính sách đặc thù để khơi thông điểm nghẽn cho Hải Phòng phát triển
Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 44, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35 Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng để khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước là cần thiết, phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: Quản lý đầu tư (2 chính sách); quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường (9 chính sách); quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý (1 chính sách); thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng (17 chính sách).

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cùng với việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng về thay đổi địa giới hành chính, Tờ trình cần đánh giá tổng thể, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết này cho địa bàn mới được sáp nhập; xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện. Đối với phần địa bàn mở rộng sau sáp nhập, đề nghị có chính sách đặc thù phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa.
“Mặc dù dự thảo Nghị quyết đã có điều khoản mở cho trường hợp sáp nhập, tuy nhiên, quy định đó mới chỉ là nguyên tắc chung; các chính sách tại dự thảo cơ bản mới chỉ được xây dựng trên cơ sở triển khai Nghị quyết 45 và Kết luận 96 của Bộ Chính trị; các đánh giá tác động, mục tiêu đặt ra hiện chỉ trên cơ sở địa giới hiện có, dân số hiện hữu, tiềm năng hiện nay của riêng Hải Phòng trước sáp nhập”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Băn khoăn Hải Phòng chuẩn bị mở rộng quy mô diện tích thì việc áp dụng Nghị quyết này như thế nào, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây không phải là vấn đề riêng của Hải Phòng mà cả Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa đều có nghị quyết riêng về cơ chế chính sách đặc thù. Tại kỳ họp sắp tới Quốc hội sẽ phải có một quyết nghị chung khi các địa phương này đều sáp nhập, mở rộng diện tích. Như vậy các nghị quyết cho các địa phương này phải có nguyên tắc chung để cho phép.
Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị nên theo hướng khi Đảng ủy Chính phủ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này thì xin rộng hơn, cho một nguyên tắc là các nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đang áp dụng cho các địa phương có liên quan sẽ sáp nhập, mở rộng diện tích trong thời gian tới tiếp tục được áp dụng cho các địa phương sau sắp xếp, sáp nhập. Nguyên tắc này có thể quy định trong nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp, sáp nhập, mở rộng đơn vị hành chính các tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, dự thảo Nghị quyết có đầy đủ cơ sở để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Các chính sách này đều cần thiết, nếu làm tốt sẽ có tác dụng tốt.
Ông cũng đề nghị Chính phủ sớm có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị để mở rộng phạm vi áp dụng về địa phương cho tỉnh, thành phố sau sáp nhập đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hải Phòng; cho phép điều chỉnh nội dung phù hợp với địa giới mới và yêu cầu phát triển mới. Địa giới mới là rộng hơn, yêu cầu phát triển mới là phải vừa lo phát triển, vừa lo an sinh xã hội.
“Các địa phương đã cho thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đều là địa phương mạnh, giỏi, khỏe, nhưng các địa phương nhập thêm vào đều là các địa phương yếu hơn”, nêu điều này, ông cho rằng, khi Bộ Chính trị kết luận, Chính phủ trình Quốc hội ngay tại Kỳ họp thứ 9, đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp.
Đồng tình với các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị áp dụng luôn cơ chế đặc thù của các địa phương hiện nay sáp nhập, mở rộng diện tích. Khi bàn nội dung này tại Kỳ họp thứ 9, sẽ quyết ngay được cho Hải Phòng khi nhập Hải Dương, các đơn vị tương đương sẽ đồng bộ.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát”. Cơ chế tài chính, ngân sách phải ưu đãi hơn. Hải Phòng phải đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI.
Liên quan đến chính sách miễn thị thực, điểm e khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị quyết quy định “miễn thị thực và cấp thẻ tạm trú 10 năm cho người nước ngoài là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, lao động có trình độ cao và các thành viên gia đình làm việc tại doanh nghiệp có trụ sở chính trong Khu thương mại tự do Hải Phòng”. Phó trưởng Ban Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá thế nào là chuyên gia, người có tài năng đặc biệt, hạn chế lạm dụng khi áp dụng chính sách.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ bổ sung quy định rõ khái niệm chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, tránh trường hợp lợi dụng chính sách.