Sau những lớp dạy nghề

Đào tạo nghề cho nông dân có hiệu quả? Đây là câu hỏi luôn được các cấp, ngành chức năng đặt ra sau mỗi lớp dạy nghề ở các bản, làng, thôn, xóm ở huyện Võ Nhai. Dù còn không ít băn khoăn về tính hiệu quả của các lớp dạy nghề nhưng không thể phủ nhận, thông qua các lớp dậy nghề, nhiều nông dân ở huyện vùng cao này đã tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình bưởi Diễn ở Tràng Xá (Võ Nhai) đã giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân trong xã.

Mô hình bưởi Diễn ở Tràng Xá (Võ Nhai) đã giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân trong xã.

Trước đây, ở bản Hạ Sơn Dao nằm dưới thung lũng nơi vùng đất Thần Sa (Võ Nhai), bà con người Dao chỉ biết trồng cấy giống ngô, lúa địa phương năng suất thấp. Nhưng tư duy trong phát triển kinh tế của 80 hộ dân ở bản người Dao này đã thay đổi khi 5 năm trở lại đây, năm nào xã cùng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp dạy nghề về trồng trọt, chăn nuôi… cho nông dân ở Thần Sa. Ông Triệu Đức Mao, một người dân ở bản Hạ Sơn Dao nói: Cán bộ về mở các lớp học dậy người dân chúng tôi “trồng cây gì, nuôi con gì”, trồng như thế nào và chăm bón ra sao. Họ còn hướng dẫn chúng tôi đưa các giống ngô lai, lúa lai vào gieo trồng nên năng suất lúa đã tăng từ 1,3 tạ lúa/sào lên 1,7 tạ/sào; năng suất ngô cũng tăng từ 1,4 tạ / sào lền gần 2 tạ/sào. Mừng nhất là thông qua các lớp học, chúng tôi được “làm quen” với cây chè. Giờ mỗi hộ trong bản có từ 3 đến 4 sào chè, thu nhập mỗi sào cũng đạt gần chục triệu đồng mỗi năm, giúp chúng tôi có “đồng ra, đồng vào”.

Từ phản hồi của những người dân như ông Mao có thể thấy, các lớp dậy nghề cho nông dân ở Võ Nhai đã thật sự mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho nông dân, được áp dụng vào thực tế sản xuất và mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình. Đáng nói là bên cạnh các lớp đào tạo này, nhiều lớp tập huấn, các mô hình điểm chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất chè theo quy trình VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt), sản xuất nông sản (rau, củ, quả) theo hướng hữu cơ… cũng được tổ chức đã giúp cho người dân tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy và mạnh dạn chuyển đổi phương thức làm ăn mới, đem lại giá trị kinh tế cao hơn trên miền sơn cước Võ Nhai. Đơn cử như mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Tràng Xá. Gần 10 năm trước, được sự hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón của huyện và tỉnh, xã đưa giống bưởi Diễn về trồng thử nghiệm ở một số hộ dân. Thông qua các lớp dậy nghề, tập huấn, bà con đã chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên bưởi Diễn đã cho thu hoạch có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ thành công này, xã mời nông dân đến tham quan, mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật để nhân rộng mô hình trồng bưởi Diễn. Nay, Tràng Xá là vùng sản xuất bưởi Diễn tập trung, quy mô hơn 240 ha, trong đó có khoảng 140 ha cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thực tế cho thấy, dậy nghề cho nông dân đã trở thành một chương trình được Võ Nhai đặc biệt quan tâm và là hướng đi đúng đắn. Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu mà huyện đề ra là đào tạo nghề cho 3.990 lao động nông thôn, trong đó có 1.500 người học nghề nông nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, mục tiêu này tuy chỉ hoàn thành hơn 50% nhưng cũng đã thể hiện được tính hiệu quả của nó khi các nghề đào tạo đều phù hợp với nguyện vọng của bà con.

Để đạt kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, việc đào tạo nghề nông cho nông dân ở huyện vùng cao này nên có sự thay đổi phương pháp, công nghệ, tư duy, bảo đảm người nông dân được đào tạo phải có tinh thông về nghề nghiệp. Đồng thời, bà con phải có đầu óc quản lý nghề nghiệp, nhất đây là những nghề mới như sản xuất rau an toàn, thực phẩm sạch, sản xuất mang tính tập trung công nghệ cao…

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/sau-nhung-lop-day-nghe-273111-85.html