Sau nửa năm im ắng, lãi suất huy động cuối năm sẽ bùng nổ?
Nhiều ý kiến cho rằng thời điểm cuối năm rất có thể lãi suất huy động sẽ được các ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng lãi suất huy động là nhằm mục đích huy động nguồn tiền đổ vào ngân hàng nhiều hơn.
“Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn tăng trưởng vốn huy động. Nếu việc này tiếp tục diễn ra sẽ dẫn đến hiện tượng ngân hàng không đủ tiền để cho vay. Do đó, nửa cuối năm, rất có thể các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để bổ sung thêm dòng tiền, tăng cường hoạt động tín dụng”, ông Hiếu nhận định.
Do đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo, những tháng cuối năm sẽ là thời điểm các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất để đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng.

Ngân hàng có thể tăng lãi suất huy động để đạt mục tiêu tăng trưởng. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng một nguyên nhân nữa khiến nguồn tiền đổ vào ngân hàng thời gian qua giảm sút, đó là do thị trường vàng đang thu hút nguồn vốn rất lớn từ nền kinh tế. Thay vì gửi tiết kiệm với mức lãi suất huy động không quá hấp dẫn, người dân lại rút tiền ra để mua vàng cất đi.
Từ đó, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để biến đây thành một kênh thu hút nguồn vốn hấp dẫn hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa tài chính ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi, cũng cho rằng, việc ngân hàng tăng lãi suất trong thời gian tới là bình thường. Bởi hiện nay đã chuẩn bị bước vào thời điểm cuối quý II và sang quý III, là thời điểm rất quan trọng để các ngân hàng bứt tốc tăng trưởng về dư nợ tín dụng.
“Vậy đây cũng sẽ là thời điểm các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để có nguồn vốn đáp ứng cho việc giải ngân và kế hoạch tăng trưởng tín dụng”, ông Huy nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh, về mặt tổng thể, ngân hàng sẽ tăng lãi suất trên cơ sở có sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, đáp ứng yêu cầu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Do đó, ngân hàng sẽ bắt buộc phải cân đối giữa việc giảm chi phí và nghiên cứu mức lãi suất huy động đầu vào hợp lý để đảm bảo được lợi nhuận như kỳ vọng. Ông Huy dự báo, từ giữa quý III cho tới những tháng cuối năm sẽ là thời điểm lãi suất huy động của các ngân hàng tăng mạnh.
Khó quay lại mức lãi suất "khủng"?
Cho rằng mức lãi suất huy động dù tăng nhưng cũng khó có thể quay trở lại mức cao hấp dẫn như cùng kỳ các năm trước, chuyên gia Nguyễn Quang Huy phân tích, hiện nay, kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm của các ngân hàng dự kiến vào khoảng 16%.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng còn liên quan đến hoạt động giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến giờ đang được các ban ngành nỗ lực thúc đẩy, đưa nguồn vốn không nhỏ ra thị trường.
Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ tín dụng các doanh nghiệp hiện nay liên quan đến một số yếu tố như việc bị áp thuế xuất khẩu sang Mỹ cao khiến các doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, xem có nên mở rộng quy mô không, thậm chí nhiều lĩnh vực còn tính đến việc thu hẹp. Do đó, nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này của các doanh nghiệp sẽ không quá mạnh mẽ.
“Vì vậy, việc lãi suất huy động tăng "nóng" như các năm trước sẽ khó xảy ra. Các ngân hàng về cơ bản vẫn sẽ thực hiện đúng theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tuy có thể là tăng lãi suất tiền gửi nhưng sẽ đảm bảo hợp lý trong biên độ cho phép”, ông Huy nói.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng vẫn có những yếu tố có thể khiến lãi suất huy động tăng mạnh trở lại bằng mức các năm trước.
“Một yếu tố an toàn nhất của hoạt động tiền gửi ngân hàng là tính an toàn. Thế nên dù tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn so với các kênh khác nhiều người vẫn sẽ lựa chọn gửi tiền ngân hàng”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, thời gian tới, ông Hiếu cho rằng với những triển vọng phát triển của các thị trường đầu tư dài hạn như chứng khoán, bất động sản…đều rất cần đến nguồn vốn tín dụng.
"Mặc dù vậy, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động với 2 mục đích chính là đạt được tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Kể từ sau ngày 25/2 đến nay đã có 28 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1 - 1,05%/năm. Tuy nhiên, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn nhất định như Bac A Bank, Eximbank, OCB, GPBank...
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất huy động chỉ nhích nhẹ 0,08% so với đầu năm. Lãi suất huy động ghi nhận tăng so với đầu năm chủ yếu từ nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, nhưng đa số các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất kể từ sau chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sau-nua-nam-im-ang-lai-suat-huy-dong-cuoi-nam-se-bung-no-ar941594.html