Sau núi Bà Đen, đám mây lạ xuất hiện trên 2 núi khác
Đỉnh núi Chứa Chan và núi Dinh vừa có đám mây quây, phủ đẹp mắt.
Sáng nay (ngày 25/11), hình ảnh đám mây lạ mắt tiếp tục xuất hiện trên núi Chứa Chan (tỉnh Đồng Nai) và núi Dinh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trước đó, đám mây tương tự đã xuất hiện ở núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) vào sáng 24/11 với hình thái phân tầng và quây đỉnh núi rõ hơn so với mây trên núi Chứa Chan và núi Dinh sáng 25/11.
Thông tin mới ngay lập tức gây "sốt" trên mạng xã hội. Hiện tại, rất nhiều bài đăng đang lan truyền kèm mô tả "đĩa bay", "UFO" hay liên tưởng tới nhiều hình ảnh siêu nhiên khác. Tuy nhiên, các chuyên gia khí tưởng khẳng định đó chỉ là một hiện tượng tự nhiên.
Đám mây đẹp mắt xuất hiện trên núi Chứa Chan (tỉnh Đồng Nai) sáng 25/11, được chia sẻ công khai trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Cũng trong sáng 25/11, đám mây tương tự đã xuất hiện trên núi Dinh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). (Ảnh: Facebook Entj Sky)
"Hôm qua thấy mây trên núi Bà Đen, mình cũng mong núi Chứa Chan như vậy. Và hôm nay đã thành hiện thật nha cả nhà ơi", Facebooker Nguyễn Hiếu viết kèm bức ảnh đăng trên nhóm Hội Leo Núi Chứa Chan.
"Mây thấu kính bao phủ đỉnh núi Chứa Chan (Xuân Lộc, Đồng Nai) vào sáng nay. Hôm qua 70 Tây Ninh gọi, nay 60 Đồng Nai đã trả lời", một Facebooker khác hài hước chia sẻ với "70" là biển số xe của tỉnh Tây Ninh, còn "60" là biển số xe của tỉnh Đồng Nai.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nữ Facebooker Entj Sky cũng đăng những bức ảnh hết sức đẹp mắt với mô tả ngắn gọn "Săn mây". Người này khẳng định, những bức ảnh đám mây tựa chiếc nón phủ đỉnh núi Dinh do chính chị chụp vào sáng 25/11.
Trên thực tế, việc các đám mây có hình thái như trên xuất hiện ở các đỉnh núi miền nam Việt Nam đã được chuyên gia khí tượng tại Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo liên tục xuất hiện trong tháng 11. Bởi khoảng thời gian này có những ngày có nhiệt độ không khí thấp, có mưa, độ ẩm không khí cao.
Đám mây xuất hiện trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) vào sáng 24/11.
Phân tích về nguyên lý hình thành đám mây đẹp mắt phủ trên núi Bà Đen sáng 24/11 cũng như trên núi Chứa Chan và núi Dinh sáng 25/11, ông Lê Đình Quyết - Phó Trưởng phòng dự báo (Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết:
"Những đám mây tầng thấp (mây tích) có cấu trúc khối, lơ lửng với độ cao chân mây khoảng 700 - 1.000m. Do cầu trúc không bền vững, dưới tác động của gió và chuyển động bên trong khối mây nên nó luôn “động” và cấu trúc thay đổi tạo ra hình dạng đa dạng. Nhìn từ dưới lên có thể như bắp cải, hình đe hay các hình dạng khác tùy theo cách liên tưởng của mỗi người".
Ông cho biết thêm, những đám mây tầng thấp thường hình thành ở các ngọn núi. Riêng những núi đứng độc lập (xung quanh là địa hình thấp, bằng phẳng) ở độ cao từ 700 - 1.000m càng dễ hình thành mây trên đỉnh núi. Tuy nhiên, đa phần những đám mây địa hình này không tồn tại lâu.
"Mây được hình thành trong điều kiện khí tượng nhiệt độ không khí thấp, độ ẩm không khí cao và có các hạt nhân ngưng kết (sol khí). Độ ẩm không khí càng cao, nhiệt độ không khí càng thấp, mật độ hạt nhân ngưng kết càng nhiều thì trạng thái khí quyền càng nhanh đạt tới bão hòa hơi nước, mây dễ hình thành", ông Quyết giải thích.
Được biết, giới khoa học phân loại 10 loại mây, 14 dạng mây, 9 tính mây, 6 dạng mây phụ và 3 mây phụ. Theo tính mây hay dạng mây, nhìn mây như một thấu kính trên các ngọn núi thì có thể gọi là "mây thấu kính", còn trong định nghĩa quy chuẩn của ngành khí tượng thì không có định nghĩa này. Đám mây trên núi Bà Đen giống "mây phụ Pileus (pil)" theo tên gọi khoa học.