Sầu riêng hút khách tại Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền

Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền, trong đó điểm nhấn là mặt hàng sầu riêng đã thu hút khách hàng Thủ đô ngay trong ngày đầu tiên khai mạc.

Sầu riêng hút khách tiêu dùng

Nổi bật tại Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền vừa được Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các đơn vị liên quan khai mạc sáng 13/6, tại Hà Nội, chương trình "Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương" được triển khai dưới sự tư vấn chiến lược của các công ty là Công ty CP tư vấn Công nghệ Enviva, Công ty Cổ phần Dukruco và Công ty Cổ phần FiveF đã thu hút đông đảo khách hàng tham quan, mua sắm loại đặc sản sầu riêng.

"Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương" nổi bật tại Phiên chợ Nông sản, đặc sản vùng miền

"Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương" nổi bật tại Phiên chợ Nông sản, đặc sản vùng miền

Bà Nguyễn Thị Xuyến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ Enviva – cho hay, việc thực hiện ý tưởng chương trình "Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương" nằm trong khuôn khổ hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, đặc sản của các địa phương gắn với mùa vụ từng vùng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại các thành phố lớn trong cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm chủ lực của các địa phương, từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, đặc sản theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao.

Chương trình “Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương” là chương trình thúc đẩy tiêu dùng nông sản sầu riêng tại thị trường nội địa đã tham gia vào chương trình với các hình thức như bán hàng livestream nhằm quảng bá sầu riêng tươi và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng.

Việc thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng trong nước giúp nhà vườn yên tâm phát triển sản xuất, người dùng được thưởng thức các trái sầu riêng chất lượng với giá thành hợp lý. Điều này giúp thị trường nông sản sầu riêng phát triển bền vững. Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa giúp giảm rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu.

“Chương trình “Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương” đã ứng dụng công nghệ nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm chế biến từ sâu riêng chia thành 4 loại sản phẩm chính: trái sầu riêng tươi, đồ ăn nhẹ, món tráng miệng và đồ uống. Từ chiến lược này chương trình đã chính thức tham gia vào thị trường chế biến các sản phẩm từ sầu riêng có thị phần trong các danh mục khách món tráng miệng, đồ ăn nhẹ và đồ uống có giá trị hơn 275 tỷ USD hàng năm chỉ riêng ở thị trường châu Á”, bà Nguyễn Thị Xuyến cho hay.

Sầu riêng Đắk Nông hút người tiêu dùng

Sầu riêng Đắk Nông hút người tiêu dùng

Mang đến nhiều đặc sản địa phương như: Hạt điều, cà phê, bơ, sầu riêng của tỉnh Đắk Nông, bà Trịnh Thị Ngọc Vân – Giám đốc Công ty MTV nông sản Hà Vân - cho biết, Đắk Nông – một trong những thủ phủ của sầu riêng Việt Nam. Với thổ nhưỡng đặc biệt, giúp cơm sầu riêng Đắk Nông có một chất lượng khác biệt, vị ngọt béo, hạt lép, múi mềm khô, khi ăn có cảm giác dẻo trong miệng.

“Hôm qua, dù chưa khai mạc, người tiêu dùng Thủ đô nghe đến sầu riêng Đắk Nông đã mua ủng hộ 2 tạ, ngay trong sáng ngày hôm nay (13/6) chúng tôi đã bán được khoảng 3 tạ. Hiện chúng tôi cũng đang tiếp tục chuyển tiếp sầu riêng từ Đắk Nông ra Hà Nội phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Cùng với sầu riêng, hạt điều Đắk Nông với chất lượng vượt trội, hạt mẩy, giòn, thơm, ngon, vị ngọt tự nhiên cũng hút khách hàng, nhiều người mua một lại muốn mua hai”, bà Trịnh Thị Ngọc Vân cho hay.

Theo anh Nguyễn Quang Dương (Cầu Giấy, Hà Nội), đến với Phiên chợ tôi đặc biệt ấn tượng với các gian hàng sầu riêng. Giá cả phải chăng, thậm chí, một số gian hàng còn khuyến mại ngay trong ngày đầu khai mạc, thay vì bán giá 120.000 đồng/kg thì khách hàng chỉ phải mua giá 100.000 đồng/kg, sầu mua bao ăn. Quả nhỏ chỉ 2 - 3kg rất vừa với túi tiền của đa số người tiêu dùng. “Tôi mua 2 qua, mỗi quả 2,2kg, tính ra chưa hết 500.000 đồng”, anh Nguyễn Quang Dương nói.

Đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại

Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp – cho biết - với quy mô trên 70 gian hàng của các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân đến từ các tỉnh/thành, ‘Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền’ với đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản nổi tiếng như: Trà Thái Nguyên, hành, tỏi Lý Sơn; tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù Lào Cai; thạch đen Cao Bằng;…

Nho Hạ Đen góp mặt tại Phiên chợ

Nho Hạ Đen góp mặt tại Phiên chợ

Đặc biệt, đến với Phiên chợ, khách tham quan sẽ được mua sắm, trải nghiệm các loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao theo mùa vụ từng vùng như: Nho Hạ Đen; sầu riêng, bơ, mãng cầu Đắk Nông; mận Mộc Châu; dưa lưới Tuyên Quang; mận Tam Hoa, xoài Úc Bắc Hà, dứa Bản Lầu - Lào Cai, Thanh long ruột đỏ Vĩnh Phúc.

“Hiện nay, chúng ta đã xuất khẩu rất nhiều sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, nhưng để tạo ra nền tảng thị trường ổn định, bền vững, bên cạnh thị trường xuất khẩu, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng cần được chú trọng. Để người dân các tỉnh phía Bắc cũng được trải nghiệm và sử dụng trái sầu riêng”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ và cho hay tại Phiên chợ lần này, chúng tôi muốn hướng tới giới thiệu tập trung nhóm sản phẩm sầu riêng. Trong đó, cùng với sầu riêng tươi, các sản phẩm sầu riêng đông lạnh và các sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng như bánh bao hay bánh Trung thu nhân sầu riêng cũng được giới thiệu tại Phiên chợ.

Khai mạc Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền

Khai mạc Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến Với chủ đề “Tuần lễ quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng cao năm 2024”, Phiên chợ diễn ra nhằm mục tiêu hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lĩnh vực nông nghiệp phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước với phương châm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"; Tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông lâm thủy sản sạch, an toàn; Tạo cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa sản xuất với tiêu thụ.

Đáng chú ý, nhằm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, điểm nhấn tại Phiên chợ là hoạt động livestream bán nông đặc, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Với sự chuẩn bị chu đáo, sản phẩm được lựa chọn kỹ càng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng, hứa hẹn sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm và săn deal hời (mã giảm giá) khi tham gia theo dõi, mua sắm nông đặc sản bằng hình thức mua hàng trực tiếp tại buổi livestream.

Các đại biểu đi thăm quan gian hàng nông sản, đặc sản của Hà Nội

Các đại biểu đi thăm quan gian hàng nông sản, đặc sản của Hà Nội

Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phiên chợ có cơ hội kết nối giao thương các mặt hàng nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã với siêu thị, cửa hàng thực phẩm và hệ thống phân phối, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và các vùng lân cận.

Trong tất cả các ngày diễn ra Phiên chợ còn có các chương trình giới thiệu, trải nghiệm các món ăn truyền thống, ẩm thực vùng miền; trình diễn các quy trình chế biến nông sản, thực phẩm.

Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền được diễn ra từ ngày 13/6 – 16/6 tại số 489, đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Bí Bắc Kạn tại phiên chợ

Bí Bắc Kạn tại phiên chợ

Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại Phiên chợ

Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại Phiên chợ

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sau-rieng-hut-khach-tai-phien-cho-nong-san-dac-san-vung-mien-325943.html