Sầu riêng và kỳ tích xuất khẩu rau quả, trái cây

Gặp chúng tôi, anh Huỳnh Văn Tuấn, một nông dân ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương không giấu nổi niềm vui sau một vụ sầu riêng được mùa, được giá.

Anh Tuấn chia sẻ: “Vụ sầu riêng năm nay, gia đình tôi thu được hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất cũng bỏ túi khoảng 1,7 tỷ đồng”.

Không riêng gia đình anh Tuấn, nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng trong cả nước đều có chung niềm vui ấy, bởi giá sầu riêng bán tại vườn luôn ở mức cao là 60.000-80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm, giá sầu riêng tại vườn lên tới 100.000-120.000 đồng/kg. Và đây cũng là năm đầu tiên sầu riêng “soán ngôi vương” của thanh long.

Một cơ sở đóng gói sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: CAO TRẦN

Một cơ sở đóng gói sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: CAO TRẦN

Nếu như năm 2016, xuất khẩu sầu riêng mới chỉ đạt 29,2 triệu USD, năm 2022 đạt 420 triệu USD thì năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đã tăng gấp khoảng 5 lần, đạt mức hơn 2 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả và trái cây Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng chiếm tới 60-65% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam đã xuất khẩu tới một số thị trường khác trên thế giới.

Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu sầu riêng vẫn còn dư địa ở những thị trường khác. Tuy nhiên, thay vì ồ ạt phát triển “nóng”, mở rộng diện tích sầu riêng, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng sầu riêng, tập trung đầu tư vào các khâu: Bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.

Cùng với đó là việc thiết lập, xây dựng các mã số vùng trồng cho từng loại trái cây, cơ sở sơ chế, đóng gói trái cây nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Quy định này trước mắt phục vụ xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đồng thời là cơ sở để Việt Nam đàm phán mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường khác như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Không chỉ sầu riêng có tin vui mà năm 2023, trái dừa tươi cũng được phép xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ sau nhiều năm gián đoạn. Trái dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ là một quá trình dài, đầy thử thách qua đàm phán giữa cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ. Bên cạnh thị trường Mỹ, dự kiến thời gian đàm phán xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ có kết quả vào đầu năm 2024. Khi hai thị trường tiêu thụ lớn là Mỹ và Trung Quốc đồng loạt mở cửa sẽ mang lại tương lai rộng mở với trái dừa, nhất là các thị trường khác cũng sẽ hưởng ứng khi Việt Nam đạt đủ các tiêu chí về chất lượng, quy trình sản xuất.

Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023, xuất khẩu rau quả và trái cây của ngành nông nghiệp nước ta ước đạt 5,5-5,8 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Thật không quá lời khi nói mặt hàng rau quả và trái cây đã lập nên kỳ tích xuất khẩu năm 2023 của ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây, trong đó có sầu riêng của Việt Nam sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Thêm vào đó, trái dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần đưa mặt hàng rau quả và trái cây Việt tiến xa hơn. Dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả và trái cây của Việt Nam có thể đạt 6,2-6,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia về kinh tế nông nghiệp, với đặc điểm có nhiều vùng sinh thái, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có thể trồng nhiều loại rau quả và trái cây: Ôn đới, nhiệt đới, cận nhiệt đới... Đây là một lợi thế riêng có của mặt hàng rau quả và trái cây Việt Nam.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đầy tự tin khi cho rằng: Rau quả và trái cây của Việt Nam sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu 10 tỷ USD. Để chinh phục cột mốc này, mặt hàng rau quả và trái cây rất cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng, thương hiệu, nghiên cứu giống, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Cùng với việc xuất khẩu tươi thì cũng cần đầu tư công nghệ để chế biến sâu, gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp giảm áp lực mùa vụ khi thu hoạch rộ.

NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/sau-rieng-va-ky-tich-xuat-khau-rau-qua-trai-cay-758808