Sau sáp nhập, bệnh viện nào lớn nhất ở TP.HCM?

TP.HCM sau sáp nhập có 10 bệnh viện đa khoa lớn, trong đó lớn nhất là Bệnh viện Đa khoa Bình Dương với diện tích 16 ha, quy mô 1.500 giường bệnh.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều 9-7, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay hệ thống y tế TP.HCM tăng từ 132 bệnh viện lên 164 bệnh viện (công và tư, bộ, ngành).

TP.HCM có 38 trung tâm y tế khu vực, 164 trạm y tế (298 điểm y tế), 11 trung tâm không giường bệnh (sẽ hợp nhất các trung tâm có chức năng tương đương), 110 trung tâm bảo trợ xã hội (15 cơ sở công), 10.627 phòng khám chuyên khoa, 417 phòng khám đa khoa, 15.611 cơ sở kinh doanh dược và nhà thuốc.

Số giường bệnh tăng từ 41.000 lên 49.700 (tư nhân chiếm 15%). Như vậy, với hơn 14 triệu dân, số giường bệnh của TP.HCM giảm từ 42 giường bệnh/vạn dân giảm xuống còn 35,1.

 Sau sáp nhập, Bệnh viện đa khoa Bình Dương là bệnh viện lớn nhất TP.HCM. Ảnh: BVCC

Sau sáp nhập, Bệnh viện đa khoa Bình Dương là bệnh viện lớn nhất TP.HCM. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nam cho biết thêm, TP.HCM sau sáp nhập có 10 bệnh viện đa khoa lớn. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Bình Dương là lớn nhất với diện tích 16 ha, quy mô 1.500 giường bệnh, phá vỡ kỷ lục của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (10 ha, 1.000 giường bệnh).

Bệnh viện Đa khoa Bình Dương hiện đang mua sắm bổ sung, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay hoặc đầu năm 2026.

Sau sáp nhập, Sở Y tế TP.HCM có tổng cộng 251 nhân sự và 3 trụ sở. Trụ sở chính ở trung tâm TP.HCM (phường Bến Thành) điều hành, chỉ đạo hoạt động và kiểm tra giám sát hoạt động của các trụ sở còn lại.

Trụ sở 2 và 3 tại phường Bình Dương và phường Bà Rịa, sẽ tổ chức nhân sự đại diện 5 phòng chức năng liên quan để tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công; tham gia thẩm định cơ sở y, dược, mỹ phẩm; tiếp nhận phản ánh, khiếu nại; kiểm tra, giám sát.

 Người dân đang làm thủ tục tại khu vực cấp phát thuốc ngoại trú (Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Người dân đang làm thủ tục tại khu vực cấp phát thuốc ngoại trú (Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Nam cho hay, trong số 168 trạm y tế của TP.HCM, có 125 trạm sẽ được nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế (trên 500 m²), hoạt động như “bệnh viện mini” với đầy đủ khoa phòng.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM đổi tên 24 bệnh viện cho phù hợp với đơn vị hành chính mới, đồng thời rà soát, lập kế hoạch hỗ trợ nâng cao chuyên môn cho các cơ sở y tế.

Theo bác sĩ Nam, công việc sau hợp nhất là quản lý thống nhất, hiệu quả cung ứng dịch vụ công. Đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng cho hơn 14 triệu dân.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-sap-nhap-benh-vien-nao-lon-nhat-o-tphcm-post859665.html