Nhiều tài liệu về quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ lần đầu được công bố
Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức trưng bày nhiều tài liệu quý.
Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (1995-2025), ngày 10-7, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức trưng bày chuyên đề 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ và trao hồ sơ chứng tích chiến tranh cho các gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh.
Khoảnh khắc lịch sử đầy xúc động và nhân văn
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ cùng nhau nhìn lại chặng đường 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, mà còn chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử đầy xúc động và nhân văn".
Thứ trưởng Cao Huy bày tỏ sự tri ân và chia vui cùng các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh có mặt tại đây – những người hôm nay nhận được các hồ sơ từ nửa kia trái đất – minh chứng cho nỗ lực tìm kiếm, kết nối ký ức và sẻ chia nhân văn giữa hai dân tộc.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc “Ngày 5-8-1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ”.
Đồng thời tin tưởng rằng, từ nền tảng lịch sử và sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và thế giới.
Về phía Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper xúc động nhìn nhận: “Từ những vết sẹo chiến tranh, chúng ta đã cùng vượt qua quá khứ, xây dựng tương lai dựa trên niềm tin, sự tôn trọng lẫn nhau và sự hợp tác".
Đại sứ Marc E. Knapper nhấn mạnh, hòa bình là hành trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của từng thế hệ. Những hình ảnh, tư liệu được trưng bày ngày hôm nay không chỉ là những bức hình của lịch sử mà chính là những câu chuyện mạnh mẽ nói về sự gắn kết của con người, sự sẻ chia và hòa giải.
Việc trao lại những kỷ vật cá nhân cho các cựu chiến binh hoặc gia đình họ chính là một trong những ví dụ đầy ý nghĩa về việc hai dân tộc của chúng ta đã có thể tiến xa như thế nào.
Trưng bày gồm ba phần: Tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao; Hợp tác và phát triển; Vững bước vào kỷ nguyên mới.
Các trưng bày được xây dựng trên nguồn tư liệu phong phú của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Việt Nam (Đại học Công nghệ Texas – Hoa Kỳ) cùng các nhân chứng lịch sử.

Các đại biểu tham quan các trưng bày. Ảnh: VIẾT THỊNH.
Nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, tiêu biểu như: Tuyên bố của Tổng thống Bill Clinton về việc thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam, công bố tại Nhà Trắng ngày 11-7-1995 (hiện lưu giữ tại Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ); Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 12-7-1995 về quyết định bình thường hóa quan hệ của Tổng thống Bill Clinton (hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III); các văn bản liên quan đến tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tái hiện sinh động tiến trình xây dựng, phát triển quan hệ Việt – Mỹ
Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, trưng bày đã tái hiện sinh động tiến trình xây dựng, phát triển quan hệ Việt – Mỹ thông qua những cột mốc nổi bật như: Ký Hiệp định thương mại song phương năm 2000, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào tháng 9-2023.
Ông Vinh nhấn mạnh: “Thông qua các tư liệu quý, công chúng có thể thấy rõ chặng đường phát triển đầy ý nghĩa giữa hai quốc gia sau ba thập niên bình thường hóa”.
Cũng trong dịp này, Trung tâm Việt Nam – Đại học Công nghệ Texas đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III hơn 200 bộ hồ sơ, dữ liệu chứng tích chiến tranh nhằm tiếp tục công tác bảo quản, xác minh và trao trả cho thân nhân.

Người dân chăm chú xem các bức ảnh lịch sử. Ảnh: VIẾT THỊNH
Đáng chú ý, năm 2025, Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam đã giới thiệu tóm tắt gần 50 hồ sơ chứng tích chiến tranh lên mạng xã hội.
Sau đó, các tình nguyện viên thuộc Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 và nhóm Kỷ vật kháng chiến đã lần theo địa chỉ hiếm hoi còn lưu trong tài liệu để về tận các xã, phường, thôn, xóm tìm người thân liệt sĩ.
Chỉ trong gần hai tháng, nỗ lực này đã giúp xác minh được thân nhân của 22 liệt sĩ và một số cựu chiến binh còn sống.

Ông Trần Văn Quý năm nay 84 tuổi, một trong những thân nhân liệt sĩ đến nhận lại kỷ vật bật khóc khi kể về liệt sĩ là người thân của mình đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Ảnh: VIẾT THỊNH
Có mặt tại sự kiện, ông Nguyễn Công Trung, Chủ tịch Câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam cho rằng những hoạt động này rất ý nghĩa. “Những việc làm hôm nay vẫn còn rất nhỏ bé so với nguyện vọng chính đáng của thân nhân liệt sĩ"- ông Trung nói.
Là người đã từng đến Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ ( Hoa kỳ), ông Trung khẳng định họ đang lưu giữ một khối lượng khổng lồ các kỷ vật, tài liệu về liệt sĩ và chiến tranh Việt Nam.
"Họ gìn giữ rất kỹ lưỡng và hợp tác chặt chẽ để chúng tôi có thể tìm kiếm, trao trả tận tay cho các gia đình”- ông Trung nói.