Sau sáp nhập CĐ nghề, có người là lãnh đạo khoa giờ trở thành GV thông thường
Việc hợp nhất các trường cao đẳng nếu chú trọng về chất lượng sẽ là cơ hội để sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức cán bộ một cách khoa học hơn.
Nhằm mục đích thực hiện việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hoạt động cũng như tiết kiệm được chi phí theo chủ trương của nhà nước, nhiều địa phương đã và đang lựa chọn phương án sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng vào với nhau.
Tuy nhiên, việc sáp nhập, xóa bỏ đi nhiều trường diễn ra quá nhanh, thiếu chiến lược khiến nhiều người không khỏi lo ngại về tính hiệu quả của việc sáp nhập này. Liệu việc quy hoạch mạng lưới cơ sở nghề nghiệp có thực sự giúp nâng cao về chất lượng hay chỉ giảm được số lượng?
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị cũng là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Trung cấp Nghề Quảng Trị và Trường Trung cấp Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị từ ngày 29/6/2020 theo Quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những mặt thuận lợi và khó khăn của trường sau khi sáp nhập được hơn 2 năm, Thạc sĩ Lê Thiên Vinh, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị cho biết, sau khi sáp nhập, trường có được một số thuận lợi khi là trường cao đẳng duy nhất tại tỉnh Quảng Trị đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực với 3 khoa là Khoa Nông nghiệp, Khoa Công nghiệp và Khoa Kinh tế - Dịch vụ.
Theo thầy Vinh, sau khi sáp nhập, trường có được sự kế thừa từ 2 trường trung cấp tiền thân vốn đã có bề dày lịch sử đào tạo; đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề; hệ thống chương trình đào tạo, giáo trình uy tín. Hơn nữa, trường cũng nhận được sự quan tâm sâu sát của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị nên chất lượng giảng dạy, đào tạo của trường luôn được đảm bảo dù mới đi vào hoạt động.
Việc là một trường cao đẳng duy nhất tại tỉnh đào tạo đa ngành cũng giúp trường có lợi thế trong công tác tuyển sinh. Trung bình mỗi năm trường tuyển sinh được khoảng 860 học sinh sinh viên các bậc học trung cấp, cao đẳng (chưa kể học viên học sơ cấp) nên cơ bản đạt gần 100% chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh đó, trường đã có nhiều chiến lược để thực hiện việc tuyển sinh có hiệu quả cũng như thực hiện việc hợp tác với các doanh nghiệp rất tốt nên nhà trường luôn có cam kết việc làm sau khi ra trường cho học sinh sinh viên.
Tuy nhiên, cũng giống như một số trường cao đẳng khác, trước và sau khi sáp nhập, trường cũng gặp khó khăn trong công tác tư tưởng, bố trí đội ngũ cho cán bộ, giáo viên nhà trường.
“Trước khi sáp nhập, tâm tư, nguyện vọng của một số cán bộ giáo viên cũng có những trăn trở, băn khoăn bởi không biết rằng tương lai mình sẽ ra sao; một số giáo viên do trước kia giảng dạy trình độ trung cấp nên cần phải học tập trau dồi để nâng cao trình độ, rèn luyện các kỹ năng để đảm bảo đáp ứng được việc đào tạo trình độ cao đẳng là những khó khăn lớn mà trường đã gặp phải”, thầy Vinh chia sẻ.
Không những vậy, trường còn gặp phải áp lực rất lớn khi phải sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy cán bộ viên chức của các phòng, ban trong thời gian đầu do thực hiện theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập về việc tự chủ về tổ chức bộ máy theo Điều 6 của Nghị định này.
Theo đó, việc thành lập các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác không phải là các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là phòng) thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên phải đáp ứng các tiêu chí sau: Công việc hoặc lĩnh vực do phòng thực hiện phải có từ 02 mảng công tác trở lên và có quy trình quản lý riêng theo yêu cầu của đối tượng quản lý; khối lượng công việc của phòng yêu cầu phải bố trí từ 07 người làm việc là viên chức trở lên.
Về cơ sở vật chất, trường cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập, đào tạo nhưng vẫn thiếu các trang thiết bị, máy móc theo nhu cầu xã hội hiện đại ngày nay.
Cũng theo Thạc sĩ Lê Thiên Vinh, để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc xảy ra trong công tác bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên sau sáp nhập, trường đã có nguyên tắc là không bắt buộc phải duy trì vị trí công tác của nhân sự theo các phòng ban như trước khi sáp nhập.
“Sau khi sáp nhập, có những cán bộ được trường bố trí một vị trí tương ứng khác với vị trí việc làm trước kia nhưng lại phù hợp hơn với năng lực và sở trường của họ. Do vậy, công tác sáp nhập của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị không phải là sáp nhập một cách cơ học mà đồng thời là để sắp xếp lại tổ chức cán bộ một cách khoa học hơn”, thầy Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường cũng đã có những cách thức khắc phục vấn đề này như thường xuyên tổ chức các công tác đoàn thể, có những buổi chia sẻ, tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng, những buổi hoạch định chiến lược tương lai,... Từ đó giúp cán bộ, giáo viên hiểu hơn về tương lai của mình tại những môi trường công tác mới.
Nhờ những giải pháp của mình, dù ban đầu trường có gặp những khó khăn trong công tác tư tưởng cho cán bộ, giáo viên nhưng với sự bố trí những công việc phù hợp, sau khoảng hơn 01 năm hoạt động, hầu hết mọi người đều đồng lòng với việc sắp xếp như vậy.
Bên cạnh đó, để tinh giản được đội ngũ cán bộ, trường cũng đã có công tác tư tưởng tới một số cán bộ, giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu thấy được những lợi thế của việc nghỉ hưu trước tuổi,... để có sự tinh giản, bố trí đội ngũ cho phù hợp.
Để góp phần ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị cho rằng chương trình đào tạo phải tương thích với nhu cầu của xã hội.
Để làm được việc này, các trường nghề khi xây dựng chương trình đào tạo phải có sự tham gia của phía doanh nghiệp và bên tuyển dụng lao động. Từ đó, khi xây dựng chương trình đào tạo, họ sẽ đưa ra yêu cầu đối với các ngành nghề nên có những môn học nào cho phù hợp.
Không những vậy, đội ngũ giáo viên cũng phải là những người có kĩ năng đào tạo nghề giỏi và phải có cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu cho học sinh sinh viên học tập. Các trường nên tận dụng cả cơ sở vật chất từ các doanh nghiệp liên kết với trường để người học vừa được thực tập ngay trên máy móc hiện đại, khi ra nghề không bị lỗi thời với nhu cầu của doanh nghiệp.
Chia sẻ từ thầy Hoàng Trung Thông, Phụ trách Khoa Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị cho biết, đối với cán bộ, giáo viên, việc sáp nhập từ trường trung cấp và nâng cấp lên trường cao đẳng là cơ hội, thách thức để bản thân được phát triển nhiều hơn.
Nhưng cũng như bao giáo viên khác, trong giai đoạn trước khi sáp nhập, thầy Thông cũng có những trăn trở rằng khi mình giảng dạy ở môi trường mới thế nào hay đang là phó trưởng khoa tại trường trung cấp thì khi sáp nhập có còn giữ chức vụ như vậy hay không,...
Bởi, hậu sáp nhập, các phòng, khoa cũng sẽ bị tinh giản, hợp nhất vào nhau nên sẽ có những sự thay đổi, xáo trộn trong trường. Có người từng làm lãnh đạo của khoa trước khi sáp nhập, nhưng sau khi sáp nhập lại làm giáo viên giảng dạy thông thường.
Mặt khác, vì là những cán bộ giáo viên của hai trường khác nhau nên trong thời gian đầu, việc phổ cập, chia sẻ công việc giữa các cán bộ, giáo viên với nhau sau khi sáp nhập đôi lúc cũng có những khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, may mắn là sau khi sáp nhập, lãnh đạo của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị thường xuyên quan tâm, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, giáo viên để kịp thời giải đáp thắc mắc, giúp họ thấu hiểu được việc sắp xếp, bố trí đội ngũ mang lại những thuận lợi thế nào.
Không những vậy, lãnh đạo nhà trường cũng giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể là cần gắn kết người lao động của hai 2 đơn vị trường sau khi sáp nhập nhập như tổ chức những buổi trao đổi riêng, trao đổi chung cho người lao động.
Nhờ những giải pháp liên tục và kịp thời từ phía lãnh đạo nhà trường, đến thời điểm hiện tại, các cán bộ, giáo viên trong khoa cũng không còn những lo lắng, băn khoăn mà ngược lại có sự đoàn kết cao trong nội bộ.
Và dù ở vị trí việc làm nào sau khi sáp nhập, họ cũng đều nhận thấy được bản thân là một hạt nhân quan trọng góp phần giúp khoa, giúp trường phát triển. Từ đó, việc đào tạo, giảng dạy cho học sinh sinh viên cũng ngày càng được nâng cao.