Sau sự cố gãy cánh quạt điện gió ở Bạc Liêu: Người dân hoang mang
Sự cố gãy cánh quạt điện gió không chỉ gây thiệt hại về sản xuất, mà còn làm cho những người dân nuôi tôm, nuôi cá sống ở khu vực này hoảng loạn khi phải sinh hoạt, sản xuất ở bên dưới những trụ điện gió lừng lững với những cánh quạt khổng lồ quay tít trên đầu.
Như VOV đã đưa tin, vào ngày đầu tháng 3 vừa qua tại Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1), do Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu làm chủ đầu tư đã xảy ra sự cố, khi trụ tua bin gió WT08 nằm tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình bất ngờ rơi Nacelle và cánh quạt của trụ xuống đất.
Sự cố này không chỉ gây thiệt hại về sản xuất, mà còn làm cho những người dân nuôi tôm, nuôi cá sống ở khu vực này hoảng loạn, lo âu, không biết thời gian tới tính mạng của mình có được đảm bảo an toàn hay không khi phải sinh hoạt, sản xuất ở bên dưới những trụ điện gió lừng lững với những cánh quạt khổng lồ quay tít trên đầu.
Hơn 20 ngày xảy ra sự cố rơi Nacelle và cánh quạt của trụ tua bin gió WT08, trở lại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi nhận thấy hiện trường vẫn còn được giữ nguyên với những thiết bị, vật liệu rơi, gãy nằm ngổn ngang và lún sâu một phần trong đất. May mắn là những thiết bị, vật liệu có trọng lượng khủng này rơi chệch căn chòi của ông Nguyễn Văn Kiên vài ba bước chân.
Vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Kiên kể, sự cố tuy không ảnh hưởng đến tính mạng của ông và những người làm công, tuy nhiên do các vật liệu này quá nặng và rơi từ tầm cao xuống nên gây chấn động mạnh khiến vách tôn căn chòi của ông bị phá tung, bùn đất bay tứ phía. Cánh quạt gió còn nằm vắt qua 2 góc ao nuôi cá của ông. Thiệt hại lớn nhất là số cá dứa ông đang nuôi dưới 15 ao đã bỏ ăn, chết dần. Trong khi đó, những nhân công ông thuê mướn sau sự cố cũng hoảng loạn xin nghỉ nên ông Kiên càng gặp khó khăn trong khâu chăm sóc cá
Ông Kiên cho biết thêm, sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Hòa Bình và chính quyền địa phương đã đến khảo sát và kiểm tra tình hình, khắc phục sự cố tua bin điện gió bị rơi gãy cánh quạt trên địa bàn, đồng thời thăm hỏi động viên gia đình ông. Các ngành chức năng và chủ đầu tư cũng vào quay phim, chụp ảnh và ghi nhận lập biên bản lượng cá chết hàng ngày, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có phương án giải quyết cụ thể khiến ông mệt mỏi, lo lắng.
“Tổng diện tích ao nuôi và sản lượng cá rất lớn nên thiệt hại sau sự cố này là không nhỏ, nhưng tôi chưa được công ty Hacom đưa ra phương án giải quyết khiên tôi rất lo và sốt ruột. Hiện bây giờ cá vẫn không ăn và lượng cá chết ngày càng nhiều, đó là chưa tính ô nhiễm khiến đất và ao sẽ phải bỏ hoang trong thời gian dài. Vấn đề lớn nhất là những người làm hoảng loạn bỏ hết, người ta đi làm công hưởng lương nên phải tìm nơi an toàn. Đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết giúp gia định vụ việc này, đặc biệt là tính toán đền bù thiệt hại”, ông Kiên bức xúc.
Ngoài nỗi lo riêng của ông Kiên về những thiệt hại trong sản xuất không biết bao giờ được giải quyết, bồi thường, người dân ở đây còn có nỗi lo chung sau khi sự cố xảy ra đó là trong thời gian tới không biết tính mạng của mình có được đảm bảo an toàn hay không, khi phải sinh hoạt, sản xuất và sinh sống trong những căn nhà, chòi với khoảng cách không xa trụ điện gió bao nhiêu, hàng ngày phải chịu đựng tiếng ồn phát ra tử những cánh quạt khổng lồ quay tít trên đầu.
Bà Lương Thị Chín và ông Nguyễn Thành Kiên - người dân nuôi tôm ở ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho rằng, điện gió xây dựng quá gần nhà dân. Từ trước đến nay khi chưa xảy ra sự cố người dân cảm thấy bình thường nhưng qua vụ việc vừa rồi dân chúng đã thấy sợ.
“Trụ điện gió ngay sát nhà dân rất nguy hiểm. Người dân sợ tiếng ồn ào mỗi khi cánh quạt quay như máy bay chuẩn bị cất cánh, trẻ con và người già đều không ngủ được. Trước kia dự án mới có bồi thường trên không, còn âm thanh qui định cách nhà dân bao nhiêu mét không thấy nói gì, nhưng dự án đã đi vào hoạt động mấy năm nay rồi, cho nên dân rất bức xúc”, bà Chín cho biết.
“Tôi rất sợ trụ điện gió nên đã đề nghị giải tỏa nhà của tôi, để gần như vậy rất nguy hiểm, nhất là ban đêm sợ nó gãy bất tử. Nói chung giờ không mướn được nhân công vì người ta rất hoang mang lo sợ. Đề nghị cơ quan chức năng phải tính như thế nào, giải tỏa dân trong vùng nguy hiểm để xa cách cánh quạt”, ông Kiên bày tỏ.
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề này, ông Mã Thanh Phương- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Bình cho biết, sau khi xảy ra sự cố, huyện đã tổ chức cuộc họp mời các ngành có liên quan. Đồng thời, UBND huyện ban hành Quyết định 309, thành lập Tổ công tác tiến hành xuống hiện trường nơi xảy ra sự cố tiến hành xác minh phạm vi bị ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân.
Tổ công tác đã làm việc với hộ nuôi xác định số lượng ao, tỷ lệ cá chết từng ao và có biên bản để ghi nhận, đồng thời lấy mẫu để phân tích về yếu tố môi trường, coi nguyên nhân nào dẫn đến cá chết. Tổ công tác cũng hướng dẫn chủ hộ nuôi đối với cá chết phải vớt lên xử lý các loại khoáng chất, để đảm bảo sức khỏe cho cá và các ao nuôi còn lại. Đồng thời, đề nghị chủ hộ nuôi kê khai lại số lượng con giống của từng ao, quá trình đầu tư vào để báo cáo UBND huyện có hướng sớm xử lý vụ việc này.
Đối với các hộ nằm trong phạm vi hành lang cánh quạt điện gió, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Hội đồng giải phóng mặt bằng đã phối hợp cùng chủ đầu tư hỗ trợ các hộ di dời ra khỏi phạm vi cánh quạt, đồng thời hiện nay UBND huyện cũng đã có phê duyệt phương án hỗ trợ cho người dân 40% để hạn chế khả năng sử dụng đối với hành lanh cánh quạt.
“Một số mẫu gửi giám định tại Cục Thú y hiện chưa có kết quả, sau khi có kết quả UBND huyện sẽ sớm làm việc với Công ty Điện gió Hòa Bình 5, cũng như hộ nuôi để có phương án hỗ trợ theo các qui định về mật độ nuôi của UBND tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là đối với người dân sản xuất ở vùng đang có các trụ điện gió hoạt động, UBND huyện phối hợp với nhà đầu tư sẽ rà soát lại và làm công tác tuyên truyền, vận động người dân, nếu đã có hỗ trợ phải di dời ra khỏi phạm vi đó. Còn nếu trường hợp nào chưa được hỗ trợ di dời cũng sẽ có phương án hỗ trợ rõ ràng để tạo điều kiện cho người dân di dời đi nơi khác, ổn định cuộc sống trong quá trình sản xuất”, ông Mã Thanh Phương nêu phương hướng.
Việc đầu tư các dự án năng lượng sạch, trong đó có điện gió, là cần thiết để đưa tỉnh Bạc Liêu phát triển. Những dự án điện gió đem lại nhiều lợi ích đối với địa phương, tuy nhiên nó cũng phát sinh những vấn đề khiến người dân bức xúc và cần sớm được giải quyết. Trong đó việc thực hiện nghiêm các qui định của Bộ, ngành chức năng để đảm bảo an toàn cho sinh hoạt, sản xuất của người dân là vấn đề mà các nhà máy điện gió trong quá trình xây dựng, vận hành cần phải quan tâm đặt lên hàng đầu.