Sau sự cố nước sạch sông Đà, Hà Nội có bộ phận kiểm tra, giám sát nguồn nước
Một trong những vấn đề được các đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng như dư luận quan tâm trong kỳ họp này là nước sạch cung cấp cho TP, đặc biệt là chất lượng nước sạch sông Đà sau sự cố vừa qua.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng, nước sạch của TP hiện được khai thác từ hai nguồn là nước ngầm và nước mặt. Về nguồn nước ngầm, TP yêu cầu khai thác bảo đảm chất lượng nguồn nước, đóng cửa những giếng có hiện tượng suy thoái và nâng công suất tại những vị trí có chất lượng nước bảo đảm.
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, TP xác định lĩnh vực nước sạch được đặc biệt quan tâm, nên trong Nghị quyết của Thành ủy các nhiệm kỳ, chỉ tiêu nước sạch luôn là chỉ tiêu được quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, là chỉ tiêu đánh giá kết quả phấn đấu hoàn thành của TP đảm bảo đời sống người dân.
Trong khai thác nguồn nước mặt, Hà Nội đang phát triển đồng bộ các nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đà và sông Đuống. Trong đó, dự án nhà máy nước mặt sông Hồng đang triển khai chậm so với kế hoạch. Nhà máy nước mặt sông Đuống đã được đưa vào khai thác và tiếp tục đầu tư giai đoạn hai, nâng công suất cấp nước lên 300.000 m3/ngày-đêm. Nhà máy nước sạch sông Đà đang được khai thác và cung cấp cho Hà Nội khoảng 230.000 - 250.000 m3/ngày-đêm.
“Nguồn của nước sạch của Hà Nội đang được khai thác với công suất bảo đảm yêu cầu, bảo đảm chất lượng”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng khẳng định. Để phát triển mạng cấp nước, thành phố đã kêu gọi hơn 20 nhà đầu tư triển khai 30 dự án cấp nước đến khu vực nông thôn; khuyến khích nhà đầu tư tiếp tục phát triển mạng lưới tới vùng sâu, vùng xa của TP
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, năm nay Hà Nội phấn đấu 69% khu vực nông thôn được đảm bảo cấp nước sạch đô thị thì thời điểm này đã đạt 75%, còn lại phấn đấu thực hiện trong năm 2020 để đạt tỷ lệ 100%. “Với các khó khăn về chính sách với nhà đầu tư, TP đang quan tâm giải quyết. Đặc biệt, TP vẫn giữ ổn định giá nước cho người dân từ năm 2013 đến nay, đang xem xét hỗ trợ giá nước cho khu vực nông thôn nhất là vùng sâu vùng xa hoặc những vùng có tác động, để người dân vừa được dùng nước đảm bảo tiêu chuẩn vừa phù hợp điều kiện kinh tế từng khu vực”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cũng khẳng định, với việc giải quyết sự cố nhà máy nước Sông Đà vừa qua, TP đang rất tích cực. Từ khi có sự cố, với Sở Xây dựng luôn có một bộ phận kiểm tra giám sát hoạt động của nhà máy. Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng TP Hà Nội xem xét nhà máy nước Sông Đà liên quan đường ống để không để xảy ra sự cố đường ống.
Về việc kiểm tra chất lượng nguồn nước vào, sản xuất, các điểm tiêu thụ nước mặt sông Đà, Sở Y tế và các ngành đang kiểm tra các chỉ tiêu để đảm bảo yêu cầu về nước cho người dân. TP cũng có một kênh tiếp nhận thông tin từ nhân dân phản ánh về chất lượng nước, tình trạng cấp nước để kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện đáp ứng yêu cầu.