Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, nguồn cung thực phẩm dồi dào nhưng xà lách tăng giá gần gấp 3
Hiện nay, tại các cửa hàng, siêu thị và chợ dân sinh, hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại với lượng hàng hóa dồi dào, giá cả dần ổn định.
Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội như chợ La Khê (Hà Đông), chợ Hà Đông, chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa)…, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động kinh doanh đã tấp nập trở lại với giá cả dần ổn định. Một số mặt hàng rau xanh tăng giá.
Cụ thể, tại chợ dân sinh ngõ 11 phố Yên Lộ (Yên Nghĩa, Hà Đông), hành lá có giá 40.000 đồng/kg; cải canh có giá 10.000 đồng/bó; su hào có giá bán dao độngt ừ 5.000 – 10.000 đồng/củ, tùy kích thước; cà chua 25.000 – 30.000 đồng/kg…
Mặc dù nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, với giá cả không quá tăng mạnh so với trước Tết, tuy nhiên, các tiểu thương cho biết, sức mua hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá yếu, hàng bán ra chậm hơn rất nhiều so với thời điểm trước Tết.
Chị Huyền – tiểu thương tại chợ tạm ngõ 11, phố Yên Lộ (Yên Nghĩa, Hà Đông) cho biết, các mặt hàng rau, củ, quả đều giữ giá nhưng riêng mặt hàng rau ăn lẩu như rau cải canh, rau muống, rau xà lách… có giá bán cao hơn.
Cụ thể, rau xà lách, trước Tết Nguyên đán có giá bán từ 15.000 – 20.000 đồng/kg thì nay, loại rau này đang có giá 40.000 - 45.000 đồng/kg. Rau cải canh luôn giữ giá 10.000 – 12.000 đồng/bó. Rau muống bè có giá 30.000 – 35.000 đồng/bó.
Vì biết sức mua sau Tết khá yếu nên nhiều tiểu thương bán đến đâu, nhập hàng đến đó và giữ quan điểm "không vội lấy nhiều".
Đối với mặt hàng thủy hải sản cũng tăng giá nhẹ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá bán lẻ tại chợ Hà Đông đối với cá trắm trọng lượng khoảng 3kg trở lên là 85.000 – 100.000 đồng/kg khúc giữa; cá lóc, cá trê có giá dao động 40.000 – 50.000 đồng/kg;
Tuy nhiên, tại chợ sỉ thủy hải sản La Khê, cá trắm có mức giá dao động từ 50.000 – 62.000 đồng/kg, cá chép giòn đang giữ giá 120.000 – 130.000 đồng/kg (cả con).
Theo các tiểu thương tại chợ La Khê, thời điểm sau Tết, chưa có nhiều tiểu thương bán hàng mà nhu cầu thay thế các bữa ăn có thịt cao hơn nên giá thủy sản tăng nhẹ, dao động từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Đơn cử như cá trắm, với trọng lượng khoảng 3kg, ngày thường có giá bán dao động từ 47.000 – 50.000 đồng/kg nhưng những ngày sau Tết, giá tăng đến 62.000 đồng/kg.
Nguồn cung thực phẩm dồi dào không chỉ ở các chợ dân sinh, chợ đầu mối, tại các siêu thị, mức ổn định được các "ông lớn" duy trì xuyên suốt dịp Tết Nguyên đán. Thậm chí, để đẩy nhanh lượng hàng bán ra, các siêu thị đều áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá.
Đại diện Toàn đoàn Central Retail tại Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu bán lẻ Big C, GO!, Top Market) cho biết, để phục vụ người tiêu dùng xuyên suốt dịp Tết, các siêu thị của tập đoàn chỉ tạm nghỉ ngày Mồng 1 (ngày 22/1) Tết Nguyên đán. Từ ngày Mồng 2 Tết Nguyên đán trở đi (23/1), các đơn vị bán lẻ của tập đoàn bắt đầu hoạt động trở lại bình thường.
Hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam cũng tương tự. Đại diện đơn vị này cho biết, MM Mega Market mở cửa xuyên suốt dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 và chỉ nghỉ ngày mồng 1 Tết). Thậm chí, trong các tuần cao điểm, các trung tâm của MM Mega Market bổ sung thêm lao động thời vụ cho các ngành hàng, thu ngân, nhân viên giao nhận hàng để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng.
Thông tin về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết, do nguồn cung hàng hóa phong phú nên các siêu thị đều có những chương trình khuyến mại riêng, với mức giảm dao động từ 10 – 15% để kích cầu tiêu dùng. Cũng bởi vậy mà giá cả các mặt hàng thực phẩm không tăng đột biến.
Về giá cả thị trường hàng hóa, theo đại diện Bộ Tài chính, trong dịp Tết Nguyên đán, giá cả thực phẩm, hàng hóa không biến động bất thường là do cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động có các giải pháp bình ổn, cân đối cung cầu từ trước, trong và sau dịp Tết.
Về cơ bản, giá cả dịp trước, trong và sau Tết đã nằm trong tính toán của cơ quan quản lý và các phương án điều hành.
Nhiều siêu thị đã triển khai kế hoạch mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm, một số chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị mở cửa xuyên Tết khiến nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn; không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết.
Ngoài ra, các siêu thị, chợ chỉ tạm ngừng bán hàng ngày mùng 1 và sáng mùng 2 Tết, trong khi nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao nên giá cả không có sự đột biến.
Sau Tết Nguyên đán, nhất là tháng 2 và quý I/2023, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát sao diễn biến cung cầu thị trường hàng hóa, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và thực hiện kiểm soát chặt chẽ nhằm bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết.
Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô).
Bộ Tài chính cũng đề nghị quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong dịp sau Tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.