Sau Tết, nhiều bệnh nhân đái tháo đường biến chứng nặng

Những ngày qua, các bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận nhiều ca đái tháo đường biến chứng do chủ quan trong kỳ nghỉ Tết, có bệnh nhân phải cắt bỏ cả 2 chân.

ThS.BS Tôn Thất Kha, Trưởng Khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết trong thời gian gần đây, khoa luôn trong tình trạng quá tải. Số ca nhập viện cấp cứu do biến chứng nặng tăng lên so với dịp sau Tết mọi năm.

Đa phần là bệnh nhân lớn tuổi đái tháo đường lâu năm mắc phải một bệnh nhiễm trùng, thông thường là hô hấp do thời tiết lạnh và tiết niệu hoặc biến chứng gây mất cảm giác ở bàn chân nên bị vật lạ xâm nhập mà không phát hiện ra.

Một bệnh nhân đái tháo đường phải cắt cụt chân.

Một bệnh nhân đái tháo đường phải cắt cụt chân.

Điển hình như trường hợp nam bệnh nhân 66 tuổi, ở Tuyên Quang, chuyển đến trong tình trạng phù phổi cấp, viêm phổi, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, rối loạn chuyển hóa.

Hay bệnh nhân 85 tuổi, ở Hà Nội, có tiền sử đái tháo đường hơn 10 năm, tai biến mạch máu não đã 3 lần trong đó lần gần nhất cách đây 3 tháng đã nhập viện trong tình trạng loét vị trí tỳ đè vùng cùng cụt, vùng mông 2 bên, vết thương lan rộng, hoại tử, chảy dịch mủ nhiều. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra khi người bị đái tháo đường không kiểm soát được mức đường huyết trong máu.

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ vừa phải chỉ định cắt bỏ 2 chân của nữ bệnh nhân 55 tuổi vì đã hoại tử hoàn toàn không thể bảo tồn. Theo lời bệnh nhân, bà mới phát hiện tiểu đường, trước Tết bị trẹo chân bên trái, nhưng tự điều trị bằng việc tiêm loại thuốc không rõ nhãn hiệu. Do trùng thời điểm nghỉ Tết nên người phụ nữ này không đi khám mà tiếp tục điều trị thuốc tại nhà, sau đó tình trạng viêm ngày càng nặng.

Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm nhập viện, hai cẳng chân của bệnh nhân đái tháo đường này đã bị hoại tử hoàn toàn, phải chỉ định cắt bỏ. Nguyên nhân có thể là do bệnh nhân bị viêm mô mềm một bên chân sau đó làm khởi phát các rối loạn khác, đặc biệt là rối loạn đông máu gây tắc mạch chi. Bản thân tình trạng viêm, phù nề cũng gây chèn ép tắc mạch chi dẫn đến hoại tử chi. Quá trình rối loạn đông máu khởi phát dẫn đến gây tắc mạch chi 2 bên dần dẫn đến viêm hoại tử hai bên chân.

BS Thiệu cho biết thêm người có các bệnh lý nền như đái tháo đường, gút, suy giảm miễn dịch, thường có nguy cơ cao bị viêm mô mềm. Bệnh nhân chủ quan xử lý sai cách dẫn đến tình trạng nghiêm trọng. Việc chỉ định cắt cụt chi là biện pháp để điều trị vùng chi tổn thương bị hoại tử. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này.

Để tránh hậu quả đáng tiếc vì chủ quan trong điều trị của bệnh nhân đái tháo đường, BS Kha cho biết đối với người lớn tuổi, khi mắc một bệnh nhiễm trùng, việc kiểm soát đường huyết trở nên rất phức tạp, đòi hỏi phải thay đổi phác đồ điều trị. Vì vậy, khi có dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh nhân không tự ý điều trị, cần phải được đưa tới các bệnh viện chuyên khoa có chuyên môn và uy tín để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sau-tet-nhieu-benh-nhan-dai-thao-duong-bien-chung-nang-192240226175149479.htm