Cửa sông, nơi tiếp giáp với biển là môi trường sống lý tưởng của nhiều loài giáp xác như tôm, cua, hàu... Vì thế nó trở thành khu vực đánh bắt ưa thích của những người dân nơi đây. Tùy theo mỗi mùa, các loài thủy sinh ở cửa sông cũng biến động về số lượng.
Dịp sau Tết Nguyên đán là lúc khu vực này có nhiều hàu, vẹm xanh,... thời tiết cũng không quá lạnh, nước lại trong, rất thuận tiện cho việc đánh bắt.
Những người thợ lặn thường chọn lúc "con nước đứng" để bắt đầu công việc của mình, đây là lúc nước ở cửa sông trong nhất.
Chỗ sâu nhất nơi cửa sông Yên (Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) có thể lên đến 10m. Người thợ lặn phải trang bị cho mình bộ quần áo đặc biệt, có kính và ngậm ống dưỡng khí. Ngoài ra, người lặn phải đeo một băng chì nặng gần 20kg, giúp cơ thể chìm sâu dưới nước.
Nếu nước trong, có thể nhìn thấy rõ những con hàu bám vào đá hay các cọc ở dưới đáy sông. Anh Công, một người thợ lặn chia sẻ: “Nghề lặn không có giờ giấc cụ thể mà đi theo chiều nước sông trong nhất, nếu nước đục là không đi được”.
Những người thợ cần một máy nén khí để cung cấp oxy, người trên bè phải quan sát mặt nước chỗ bọt khí của thợ lặn sủi lên để điều chỉnh công suất máy nén cho phù hợp, đảm bảo an toàn khí thở cho thợ lặn.
Phương tiện đánh bắt là chiếc bè (mảng) được ghép từ những cây vầu. Mỗi chuyến đi lặn gồm 2-3 người, làm việc trong khoảng 4-5 giờ đồng hồ.
Trong khi người thợ lặn dưới đáy sông, hai người còn lại trên bè vừa theo dõi máy nén khí, vừa phân loại sản phẩm.
Dịp sau Tết, trung bình mỗi ngày làm việc, họ có thể bắt được khoảng 30-50 kg đủ các loại ngao, hàu, vẹm xanh.
Chuyến lặn đầu năm gặp nhiều thuận lợi, khiến những người thợ lặn phấn khởi, hứa hẹn một mùa bội thu.
Những con hàu được rửa sạch sau khi đánh bắt.
“Mùa này giá bán vẹm khoảng 20.000 đồng/kg, hàu khoảng 18.000 đồng/kg, mỗi chuyến lặn may mắn thu về từ 2-3 triệu đồng”, anh Tuấn, thợ lặn phụ phấn khởi cho biết.
Vẹm xanh là loại hải sản được ưa thích, sau khi tách vỏ có thể chế biến thành nhiều món khác nhau.
Mạnh Tiến - Ảnh: Hoàng Đông