Sau tháng 6 khởi sắc, tăng trưởng tín dụng lại đi lùi trong tháng 7

Tăng trưởng tín dụng tháng 7 giảm xuống chỉ còn 4,3% sau nhịp hồi phục trong tháng 6

Sau nhịp hồi phục tích cực trong tháng 6, tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 lại chứng kiến sự đi lùi. Đó là tín hiệu rút ra được từ số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, Thách thức và Quyết tâm.

Theo đó, tín dụng kinh tế trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với thời điểm cuối năm 2022. Tuy nhiên, tình hình tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tín dụng toàn ngành trong tháng 7 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn so với tháng 6.

 Tăng trưởng tín dụng trong Tháng 7 quay đầu giảm xuống còn 4,3% (Ảnh TL)

Tăng trưởng tín dụng trong Tháng 7 quay đầu giảm xuống còn 4,3% (Ảnh TL)

Những báo cáo tình hình tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong các tháng thuộc Quý 2 cho thấy sự hồi phục liên tục. Tại tháng 4, 5, 6 tín dụng liên tiếp hồi phục với tỷ lệ lần lượt đạt 3,03%, 3,27%, 4,73%. Tuy nhiên, sau nhịp hồi phục trong tháng 6 thì tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 lại chứng kiến sự đi lùi.

Đánh giá về đà tăng trưởng tín dụng thấp tháng tháng 7, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết có nhiều nguyên nhân chi phối khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đầu tiên phải kể đến là tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Cụ thể hơn đó là tình trạng doanh nghiệp chưa kịp hồi phục hoàn toàn sau đại dịch đã phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Điều này dẫn tới giảm nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Dù chỉ số kinh tế đang có diễn biến tích cực nhưng do ảnh hưởng dồn tích từ thị trường trong những tháng đầu năm nên tín dụng đến cuối tháng 7 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo sau đó là một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa thể đáp ứng được điều kiện vay vốn. Nhất là đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nguyên nhân cuối cùng đến từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Tín dụng bất động sản hiện đang chiếm tỷ trọng 20% so với tín dụng chung. Tuy nhiên, hiện tại tín dụng bất động sản đang tăng trưởng thấp hơn so với tín dụng chung. Nguồn vốn chủ yếu tập trung ở phía cung trong khi nhu cầu bất động sản với mục đích sử dụng của thị trường lại sụt giảm.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay thì nhu cầu mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được ưu tiên. Cơ cấu ngành sản phẩm BĐS cũng chưa hợp lý khi thừa phân khúc cao cấp, thiếu BĐS giá rẻ, phù hợp với nhu cầu người dân. Các dự án BĐS cũng gặp khó khăn về pháp lý dẫn tới việc khó tiếp cận nhu cầu về vốn.

Cuối cùng, do điều kiện kinh tế khó khăn dẫn tới mức độ đánh giá rủi ro cho các khoản vay sẽ cao hơn. Tổ chức tín dụng từ đó cũng gặp khó khăn trong việc ra quyết định cho vay theo chuẩn tín dụng để đảm bảo tính an toàn cho hệ thống.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-thang-6-khoi-sac-tang-truong-tin-dung-lai-di-lui-trong-thang-7-post261522.html