Sau tiêm vắc-xin COVID-19: Không cần kiêng nhưng phải theo dõi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, các triệu chứng thường gặp sau tiêm chủng như đau, đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm, sốt nhẹ, đau mỏi toàn thân, đau đầu hoặc cảm thấy không khỏe… là những phản ứng thông thường, dấu hiệu hệ thống miễn dịch đang phản ứng với các kháng nguyên được đưa vào cơ thể và hệ thống miễn dịch đang chuẩn bị để 'chiến đấu'.

Vắc-xin AstraZeneca được tiêm cho những đối tượng ưu tiên tại nước ta. Ảnh: Như Ý

Đó là phản ứng phổ biến, nhưng thường kéo dài không quá 2 hoặc 3 ngày và sau đó người được tiêm cảm thấy hoàn toàn ổn.

Những phản ứng thông thường sau tiêm

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư (NIHE) cho biết, phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19 phổ biến (chiếm từ 10%) gồm: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt. Trong đó, rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt từ 38 độ C, ớn lạnh. Phản ứng phổ biến nữa (chiếm tỷ lệ từ 1% đến dưới 10%) gồm: người tiêm có sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Ngoài ra, phản ứng nghiêm trọng là sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn… Đến nay, WHO chưa có dữ liệu và chưa có bằng chứng về trường hợp phản ứng nghiêm trọng liên quan đến vắc-xin này.

Bộ Y tế cho biết, ngày 3/6, Việt Nam ghi nhận thêm 250 ca mắc mới. Trong đó 19 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh. 231 ca ghi nhận trong nước, tại Bắc Giang 145, Bắc Ninh 44, TPHCM 30, Hà Nội 6, Lạng Sơn 3, Long An 2, Hải Dương 1; trong đó có 228 ca mắc mới được phát hiện trong khu đã được cách ly hoặc phong tỏa.

TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (NIHE) hướng dẫn: Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi sức khỏe ít nhất 2 ngày; để ý đến các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ tại vị trí tiêm; tuyệt đối không tự đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm với mong muốn giảm sưng đau. Cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường như: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, vật vã, lừ đừ, khó thở hoặc biểu hiện bất thường khác, cần đến ngay cơ sở y tế.

TS Thái lưu ý, những người có bệnh nền, sau tiêm vắc-xin COVID-19 càng cần cẩn trọng trong giám sát sức khỏe và nên cung cấp cho cán bộ y tế các phản ứng sau tiêm, giúp cơ quan y tế đánh giá đúng về đặc điểm của vắc-xin, kịp thời có những điều chỉnh cần thiết.

“Riêng với vắc-xin AstraZeneca thì chúng tôi ghi nhận phản ứng như sốt hoặc sưng đau tại chỗ là khá phổ biến. Khoảng 50% người có dấu hiệu sốt và khoảng 20% người phải dùng hạ sốt. Những trường hợp đau tại chỗ trên 50% nhưng sưng đau kéo dài gặp số ít hơn. Chúng tôi nhận định những trường hợp phản ứng hầu hết đều ở trong giới hạn thông thường và tỷ lệ này đã được hãng thông báo cho chúng tôi trước khi tiêm chủng”, TS Thái nói.

Lưu ý những phản ứng nặng

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo: “Các phản ứng nặng sau tiêm chủng khởi đầu có thể chỉ là phản ứng nhẹ như: sổ mũi, ngạt mũi, khàn tiếng nhưng sau đó thể diễn biến nặng hơn (khó thở), cần được xử trí cấp cứu. Ngoài ra, cần lưu ý các phản ứng phản vệ, xảy ra rất nhanh chóng, chỉ dưới 5 phút, thậm chí chưa kịp rút mũi tiêm”. Các phản ứng dị ứng đường hô hấp (khó thở) và tuần hoàn (tăng nhịp tim; tăng, giảm huyết áp) là phản ứng nặng, cần xử trí rất nhanh chóng, tính bằng phút, thậm chí từng giây. Do đó, tại mỗi điểm tiêm, các xe tiêm lưu động phải có đầy đủ điều kiện cấp cứu, có hộp chống sốc.

“Với bất cứ một vắc-xin nào cũng có thể thấy sẽ có đáp ứng về miễn dịch cơ thể. Khác với những vắc-xin trước đây là đưa kháng nguyên vào cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại bệnh. Nguyên lý của loại vắc-xin COVID-19 là sử dụng một loại virus làm vật trung gian mang vật liệu di truyền. Từ đó cơ thể sẽ điều động các tế bào miễn dịch tới tiêu diệt, nhận diện và sinh ra kháng thể. Với công nghệ mới này, đáp ứng miễn dịch sẽ rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ nhiều hơn một chút”, TS Thái nói.

Theo các chuyên gia, một ưu điểm nữa của vắc-xin là đáp ứng miễn dịch rất tốt và khi đáp ứng miễn dịch tốt thì đi kèm theo đó những phản ứng, thấy rõ nhất là sốt. Những vắc-xin tạo ra miễn dịch mạnh cho đến thời điểm hiện tại tất cả đều có tỷ lệ sốt cao hơn so với những vắc-xin mà không có bất cứ đáp ứng gì về mặt miễn dịch. Với các vắc-xin có miễn dịch mạnh mẽ đều có đặc điểm chung như vậy.

Vắc-xin có hiệu lực sau mũi tiêm đầu tiên 3-4 tuần

Vắc-xin của AstraZeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc-xin có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ suy giảm không đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vắc-xin sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều số một; đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đối với vắc-xin AstraZeneca, mỗi người cần tiêm 2 mũi. Thời gian tiêm cách nhau tối thiểu 21 ngày. Sau khi tiêm, không cần kiêng nhưng cần theo dõi, nếu có sự khác thường về sức khỏe thì báo ngay cho cơ sở y tế. Một số nghiên cứu đánh giá cho thấy, sau tiêm mũi 1 vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca từ 3 - 4 tuần, một tỷ lệ nhất định người được tiêm có kháng thể, được bảo vệ.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vắc-xin COVID-19 mới đưa vào sử dụng, cần thêm thời gian đánh giá hiệu lực sau tiêm, nồng độ kháng thể đủ bảo vệ cơ thể trước virus sẽ duy trì trong bao lâu. “Sau tiêm vắc-xin, chưa hẳn đã có miễn dịch ngay hoặc đề phòng biến thể của virus không bị tác động nên chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K”.

Ngoài ra, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vắc-xin COVID-19 AstraZeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vắc-xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỷ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hằng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sau-tiem-vac-xin-covid-19-khong-can-kieng-nhung-phai-theo-doi-post1342860.tpo