Sáu tuần quay cuồng của thủ tướng Anh
Chỉ trong 6 tuần, những chính sách kinh tế của chính quyền Thủ tướng Anh Liz Truss đã gây chao đảo thị trường và đang khiến bà phải chật vật chiến đấu để giữ ghế.
Khi bà Liz Truss tranh cử để lãnh đạo nước Anh vào mùa hè này, một đồng minh đã dự đoán những tuần đầu cầm quyền của bà sẽ có nhiều xáo trộn. Nhưng ít người, đặc biệt là bà Truss, có thể tưởng tượng được mức độ xáo trộn lại lớn đến vậy, theo AP.
Chỉ trong sáu tuần, các chính sách kinh tế của thủ tướng Anh đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải lập tức can thiệp. Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch trong chính sách này cũng đã bị đảo ngược.
Không những vậy, bà Truss đã phải sa thải đồng minh thân cận Kwasi Kwarteng - cựu Bộ trưởng Tài chính.
Giờ đây, bà Truss phải đối mặt với áp lực trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền, khiến vị trí thủ tướng của bà rơi vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Nhiều nhà lập pháp đảng Bảo thủ đã họp về việc có nên loại bà ra khỏi vị trí lãnh đạo hay không. "Tôi nhận trách nhiệm và xin lỗi về những sai lầm đã gây ra. Tôi muốn hành động để giúp mọi người giảm bớt hóa đơn năng lượng của họ để đối phó với vấn đề thuế cao, nhưng chúng tôi đã đi quá xa và vội", bà Truss nói với BBC.
Hỗn loạn được báo trước
Bên cạnh đó, AP cho rằng đảng Bảo thủ cũng không phải đã không được báo trước về tương lai. Trong cuộc chạy đua vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà Truss từng hứa sẽ cắt giảm thuế và thủ tục, đồng thời sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của Anh phát triển.
Đối thủ của bà, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, cho rằng việc cắt giảm thuế ngay lập tức sẽ là hành động thiếu thận trọng trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, 172.000 thành viên đảng Bảo thủ - phần lớn là những người lớn tuổi và giàu có - ưa thích tầm nhìn của bà Truss hơn.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy bà Liz Truss nhận được sự ủng hộ của 81.326 đảng viên, so với con số 60.399 của đối thủ trực tiếp là ông Sunak, theo Guardian. Đây là chiến thắng đã được dự đoán trước dành cho bà Truss.
Những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của bà Truss gần như trùng với thời kỳ quốc tang dành cho nữ hoàng quá cố. Sau đó, vào ngày 23/9, ông Kwarteng công bố kế hoạch kinh tế mà ông và bà Truss đã vạch ra.
Kế hoạch bao gồm gói cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng Anh (50 tỷ USD) - bao gồm giảm thuế thu nhập cho những người có thu nhập cao nhất - nhưng không đi kèm với đánh giá về việc chính phủ sẽ bù đắp khoản đó như thế nào.
Bà Truss đang làm những gì bà và các đồng minh từng hứa sẽ thực hiện. Tuy nhiên, quy mô của thông báo đó đã khiến thị trường tài chính và các chuyên gia chính trị phải ngạc nhiên.
“Rất nhiều người trong chúng ta đã nhầm lẫn khi mong đợi bà ấy xoay trục sau khi chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo, theo cách mà nhiều tổng thống làm sau khi thắng cử sơ bộ. Nhưng bà ấy không làm vậy. Bà ấy thực sự làm những gì đã nói”, Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary (London), cho biết.
Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD và chi phí vay của chính phủ tăng vọt. Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải vào cuộc để mua trái phiếu chính phủ và ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng.
Khi phản ứng tiêu cực ngày càng tăng, bà Truss bắt đầu từ bỏ nhiều phần của kế hoạch để trấn an đảng Bảo thủ và thị trường. Việc cắt giảm thuế đối với những người có thu nhập cao nhất đã được bãi bỏ vào đầu tháng 10.
Quyền lực bị lung lay
Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. Hôm 14/10, bà Truss đã sa thải ông Kwarteng - một người bạn lâu năm và đồng minh của bà - và đưa ông Jeremy Hunt vào vị trí đó. Ông Hunt từng là bộ trưởng Y tế và ngoại trưởng dưới thời ông David Cameron và bà Theresa May.
Bà Truss cũng đã đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp, một trụ cột khác trong kế hoạch kinh tế của bà, để trấn an thị trường.
Theo AP, bà Truss trên danh nghĩa vẫn là thủ tướng, nhưng quyền lực trong chính phủ đã chuyển sang ông Hunt, người từng báo hiệu ông có kế hoạch đảo ngược phần lớn kế hoạch kinh tế còn lại của bà. Ông cho biết tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công sẽ là cần thiết để khôi phục uy tín tài khóa của chính phủ.
Ông Hunt ngày 17/10 thông báo sẽ đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm, đồng thời xem xét lại chính sách giá nhiên liệu.
Đây được xem như động thái bất ngờ khi tân bộ trưởng Tài chính Anh ra thông báo đảo ngược kế hoạch giảm thuế sớm hai tuần trước phiên họp đưa ra kế hoạch tài khóa trung hạn.
“Bà ấy đã lắng nghe. Bà ấy đã thay đổi. Bà ấy sẵn sàng làm điều khó khăn nhất trong chính trị, đó là thay đổi chiến lược”, ông Hunt nói với BBC.
Đảng Bảo thủ vẫn chiếm đa số trong Quốc hội, và về lý thuyết, phải còn hai năm nữa thì cuộc bầu cử quốc gia mới được tổ chức. Song các cuộc thăm dò cho thấy triển vọng u ám của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Các nhà lập pháp Bảo thủ đang đau đầu về việc có nên cố gắng thay thế nhà lãnh đạo của họ lần thứ hai trong năm nay hay không. Vào tháng 7, đảng này đã buộc phải loại bỏ cựu Thủ tướng Boris Johnson sau một loạt bê bối.
Giờ đây, nhiều người trong số họ dường như đã hối hận. Theo quy định của đảng, bà Truss được bảo vệ khỏi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong vai trò lãnh đạo trong một năm, nhưng quy tắc đó có thể được thay đổi.
Một số nhà lập pháp đảng Bảo thủ tin rằng bà có thể bị buộc phải từ chức nếu đảng có thể thống nhất được về người kế nhiệm.
Trong khi đó, nghị sĩ Junior Andrew Griffith lập luận hôm 16/10 rằng nên cho bà Truss một cơ hội để cố gắng lập lại trật tự.
“Đây là thời điểm mà chúng ta cần sự ổn định”, ông nói. "Người dân đang bối rối trước những biến động ở mức độ như vậy. Những gì họ muốn thấy là một chính phủ có năng lực, đủ sức làm công việc của mình".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-tuan-quay-cuong-cua-thu-tuong-anh-post1366434.html