Trẻ bị xâm hại tình dục: Giáo dục giới tính cần thực hiện như thế nào?
Câu chuyện đau lòng ít ai ngờ, một bé gái mới 3 tháng tuổi đã bị xâm hại tình dục, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm. Sự việc đau lòng này đã đặt ra vấn đề giáo dục giới tính ở trẻ cần thực hiện như thế nào?
Những tổn thương nào về tâm lý?
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận một bé gái mới 3 tháng tuổi bị xâm hại tình dục, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chảy máu nghiêm trọng vùng sinh dục. Sau hội chẩn, các bác sĩ xác định đây là trường hợp bị xâm hại tình dục và đã phẫu thuật khẩn cấp để bảo tồn tầng sinh môn và cơ quan sinh dục cho nạn nhân.

Ảnh minh họa
Dù cháu bé không bị nguy hại đến tính mạng, tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo rằng những tổn thương thể chất đối với bé chỉ là một phần, hậu quả tâm lý âm thầm và lâu dài cũng cần được nhận diện và can thiệp kịp thời.
Theo các nghiên cứu về thần kinh và tâm lý phát triển, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn có khả năng ghi nhớ và phản ứng với các trải nghiệm đau đớn dưới dạng ký ức cảm giác và cơ thể. Các tổn thương kiểu này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, điều tiết cảm xúc, hành vi và khả năng gắn bó xã hội trong tương lai.
Cụ thể, những rối loạn tâm lý có thể phát sinh sau sang chấn như: rối loạn lo âu, ám ảnh sợ chuyên biệt, rối loạn phản ứng gắn bó, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), câm chọn lọc (ở trẻ tiền ngôn ngữ), các rối loạn về giấc ngủ và hành vi, rối loạn triệu chứng thần kinh chức năng…
Phân tích của các chuyên gia tâm lý cho thấy tùy từng trường hợp và yếu tố môi trường, mỗi trẻ sẽ có phản ứng khác nhau. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn về tâm lý lâm sàng để được thăm khám , và hỗ trợ sớm, nếu có dấu hiệu nghi ngờ sang chấn.
Giáo dục giới tính thực hiện theo từng giai đoạn phát triển
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 1.000-1.800 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 80% là xâm hại tình dục. Gần 60% thủ phạm là người thân, hoặc quen biết. Điều này đặt ra yêu cầu cảnh giác cao hơn trong chính gia đình - nơi lẽ ra phải là nơi an toàn nhất với trẻ.
Theo chuyên gia tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ở độ tuổi trẻ chưa biết nói, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan sát và nhận diện của người lớn. Phát hiện muộn hoặc không can thiệp kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Do đó việc giáo dục giới tính sớm, không chỉ để bảo vệ trẻ mà còn giúp trẻ hiểu đúng về ranh giới cơ thể và tránh trở thành người gây hại do thiếu hiểu biết.
Giáo dục giới tính cần được thực hiện theo từng giai đoạn phát triển. Trong đó, giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi phải dạy trẻ trẻ gọi tên đúng bộ phận cơ thể, nhận biết vùng riêng tư; giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi sẽ dạy cho trẻ quyền từ chối, không giữ bí mật về cơ thể; giai đoạn từ 6 đến 12 tuổi dạy cho trẻ phân biệt đụng chạm phù hợp, không phù hợp, hiểu về sự đồng thuận; giai đoạn từ 12 tuổi trở lên cần giáo dục quan hệ lành mạnh, an toàn tình dục, ranh giới cảm xúc và mạng xã hội.
Như vậy, giáo dục giới tính là cách hiệu quả để tăng cường nhận thức, giúp trẻ hiểu rằng cơ thể là của riêng mình và cần được tôn trọng – cả từ người khác và chính bản thân trẻ.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, y tế và cộng đồng trong phát hiện và can thiệp sớm. Trong đó, cha mẹ, người chăm sóc cần chú ý đến dấu hiệu bất thường như thay đổi hành vi, quấy khóc không rõ nguyên nhân, vết thương ở vùng kín; không để trẻ ở một mình với người không đáng tin cậy, kể cả người quen.
Ngành y tế cần được đào tạo kỹ năng nhận diện dấu hiệu xâm hại ở trẻ chưa biết nói, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý đúng quy trình.
Cộng đồng cần nâng cao nhận thức, không thờ ơ, chủ động phát hiện và báo cáo các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại tình dục là lời cảnh tỉnh về sự cần thiết của các biện pháp phòng ngừa, giáo dục đúng đắn. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ cần được lắng nghe, yêu thương và bảo vệ bằng sự hiểu biết và hành động kịp thời từ người lớn. Mỗi gia đình cần trở thành “vùng an toàn thực sự” để mọi trẻ em được lớn lên khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần.