Sau vụ Đại sứ Myanmar tại Anh bị nhốt bên ngoài, kịch bản tương tự sẽ diễn ra tại Berlin?
Sau khi đăng trên Facebook thông điệp ủng hộ những người biểu tình ở quê nhà, nhà ngoại giao Myanmar ở Đức nhận được thư thông báo đã bị sa thải và hộ chiếu đã bị thu hồi.
Cho đến mãi thời gian gần đây, một trong những nhiệm vụ của Chaw Kalyar – 49 tuổi, Bí thư thứ ba Đại sứ quán Myanmar tại Đức – là hỗ trợ các công dân đồng hương đã từng bị chính quyền quân sự trước đây tước quyền công dân.
Tuy nhiên, hiện nhà ngoại giao này thấy mình đang phải đối mặt với tình trạng tương tự như những công dân đó.
Chaw Kalyar cho biết, bà cảm thấy “tuyệt vọng” sau sự kiện hôm 1/2, và “quyết định làm điều gì đó”.
Bà cho biết: “Là Đại sứ quán duy nhất của Myanmar ở châu Âu có tùy viên quốc phòng, chúng tôi cảm thấy ảnh hưởng của họ ngày càng lớn: Giờ đây, họ đến sứ quán thường xuyên hơn và cung cấp thông tin tuyên truyền về tình hình ở Myanmar".
Cùng với hai đồng nghiệp khác, bà Chaw Kalyar đã tham gia phong trào bất tuân dân sự chống lại chính quyền quân sự ở Myanmar.
Chaw Kalyar cho biết bà đã bắt đầu hành động sau khi Kyaw Moe Tun, đặc phái viên hàng đầu của Myanmar tại Liên hợp quốc, lên tiếng chống lại những người đã thực hiện cuộc chính biến và kêu gọi khôi phục chế độ dân sự. Ông Kyaw Moe Tun ngay lập tức bị các nhà cầm quân Myanmar sa thải và bị buộc tội phản quốc.
Ngày 4/3, Chau Kalyar cùng hai nhà ngoại giao khác thuộc đại sứ quán (bao gồm tổng cộng 7 người) đã tham gia phong trào bất tuân dân sự và đăng trên Facebook thông điệp ủng hộ những người biểu tình ở quê nhà.
Bà cho biết, chưa đầy một tuần sau, bộ ba nhận được thư thông báo rằng họ đã bị sa thải và hộ chiếu của họ bị thu hồi.
“Khi chúng tôi đăng thông báo của mình trên Facebook, chúng tôi biết hậu quả sẽ như thế nào”, bà Chaw Kalyar nói.
"Chúng tôi không thể trở về nhà hoặc rời khỏi nước Đức vì họ đã hủy hộ chiếu của chúng tôi. Chúng tôi phải ở lại đây, nhưng không sao, nếu so sánh với những người dân ở Myanmar hiện nay."
Đức, nước đã lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính, hiện đang xem xét trường hợp của các nhà ngoại giao này.
"Chính phủ liên bang cho rằng tư cách ngoại giao của các nhân viên tại Đại sứ quán vẫn chưa hết hạn", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức nói với AFP.
Bà Chaw Kalyar cho biết khoảng 20 nhà ngoại giao Myanmar trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Paris, Geneva và Washington, cũng đã tham gia phong trào bất tuân dân sự.
Bà cũng tố cáo các nhà ngoại giao thân với quân đội đã lật đổ Đại sứ Myanmar tại London trong tuần qua khiến ông không thể vào trụ sở Đại sứ quán và phải ngủ trong xe của mình qua đêm.
Chaw Kalyar cũng bày tỏ lo ngại kịch bản tương tự có thể xảy ra tại Đại sứ quán ở Berlin, một trong những Cơ quan đại diện quan trọng nhất của Myanmar ở châu Âu.
(Theo Channelnewsasia)