Sau vụ sữa giả: Cẩn trọng để giữ niềm tin, thị trường
Vụ sữa giả gây chấn động khiến người tiêu dùng cảnh giác, các ngành chức năng tăng cường siết chặt hậu kiểm lập lại trật tự thị trường.
Mua một hộp sữa, mang theo cả nỗi lo
Chiều muộn, chị Hằng (36 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) dừng lại trước một cửa hàng sữa quen trên phố Nguyễn Khánh Toàn. Trên tay là hộp sữa bột cho trẻ nhỏ, sản phẩm chị từng mua nhiều lần, nhưng lần này, chị không vội vàng mà cẩn thận xoay đáy hộp, tra mã vạch, quét QR code bằng điện thoại.
“Giờ chẳng ai còn dám mua sữa một cách dễ dãi nữa. Sữa giả bây giờ tinh vi, nếu không may mua phải thì tiền mất tật mang, con trẻ là người chịu hậu quả đầu tiên”, chị Hằng chia sẻ.
Sự cảnh giác của chị Hằng là hình ảnh phản chiếu tâm lý chung của hàng triệu người tiêu dùng sau khi cơ quan chức năng phát hiện gần 600 loại sữa giả, kém chất lượng.

Người tiêu dùng buộc phải hoài nghi và kiểm tra thông tin sữa trước khi mua.
Khảo sát tại cửa hàng mẹ và bé Kids Plaza (quận Cầu Giấy), chị Lan, nhân viên tư vấn cho biết: “Ngay sau tin sữa giả, nhiều khách mang cả hộp cũ tới hỏi có thuộc danh sách vi phạm không. Họ dò từng mã, hỏi giấy tờ, và nhiều người còn quay video quá trình bóc hàng”.
Doanh số bán không sụt giảm, nhưng tâm lý người mua thay đổi rõ rệt. “Giờ ai cũng kỹ lưỡng hơn. Hỏi về giấy nhập hàng, cam kết kiểm định, giữ hóa đơn để nếu có vấn đề còn đòi lại quyền lợi”, chị Lan nói thêm.
Doanh nghiệp chân chính bị vạ lây
Không ít đại lý, nhà bán lẻ phải gánh chịu hệ lụy dù không liên quan đến vụ việc.
“Làm ăn chân chính hơn 10 năm, chỉ nhập hàng từ nhà phân phối chính hãng. Vậy mà gần đây, khách cũng nhìn bằng con mắt nghi ngờ. Cảm giác bị đánh đồng thật sự rất tổn thương”, anh Trần Văn Long, chủ một đại lý sữa ở quận Đống Đa chia sẻ.
Để trấn an người tiêu dùng, các chuỗi bán lẻ lớn như: Kids Plaza, Con Cưng, Bibo Mart… đã chủ động phát đi thông điệp cam kết trên fanpage chính thức và tại điểm bán.

Kids Plaza cam kết 100% sữa chính hãng, có hóa đơn và tem nhãn đầy đủ trên fanpage.
Kids Plaza đăng tải bài viết: “Hiện nay, thị trường có rất nhiều loại sữa bột với đủ mức giá và nhãn mác khác nhau, khiến ba mẹ không khỏi băn khoăn khi lựa chọn. Mẹ cần một nơi uy tín – tin cậy, để yên tâm mỗi lần mua sữa cho con yêu. Tại Kids Plaza, ba mẹ hoàn toàn có thể an tâm sữa đến từ các thương hiệu nổi tiếng, lâu năm trên thế giới, 100% chính hãng, có hóa đơn và tem nhãn đầy đủ, bảo quản chuẩn điều kiện, giữ trọn dưỡng chất”.
Tương tự, đại diện Bibo Mart khẳng định: “Toàn bộ sản phẩm sữa từ nội địa đến nhập khẩu đều có chứng từ rõ ràng, sẵn sàng cung cấp bản mềm nếu khách hàng yêu cầu. Không có gì phải giấu giếm nếu làm thật, bán thật.”
Siết chặt hậu kiểm, dần ổn định thị trường
Cần nhìn nhận rõ: Vụ việc 600 loại sữa giả là hành vi vi phạm cá biệt, không đại diện cho toàn thị trường. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa hiện nay vẫn tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.
Ngay sau vụ việc, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp cùng các đơn vị chức năng tăng cường hậu kiểm, xử lý vi phạm, đồng thời siết chặt giám sát nguồn cung sữa trên cả nước. Động thái này thể hiện rõ trách nhiệm của ngành trong việc bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và lập lại trật tự thị trường.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định với báo chí: “Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà sản xuất và phân phối sữa giả. Hội sẽ đồng hành, hỗ trợ thủ tục pháp lý khi cần thiết”.

Thị trường sữa dần ổn định sau khi xử lý vi phạm, siết chặt giám sát nguồn cung sữa trên cả nước.
Đại diện hội cũng kêu gọi người tiêu dùng “lên tiếng kịp thời, thông suốt để bảo vệ quyền lợi chính đáng”, đồng thời nhấn mạnh vai trò đồng hành của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và chính người tiêu dùng trong việc xây dựng thị trường hàng hóa lành mạnh.
Sự việc vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh. Nhưng nó cũng tạo ra hiệu ứng tích cực khi người tiêu dùng chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi, còn cơ quan quản lý thì siết lại hậu kiểm. Trên hết, đa số doanh nghiệp đã chứng minh được sự minh bạch và cam kết làm ăn tử tế, điều quý giá cần được lan tỏa.
Người tiêu dùng có quyền đòi hỏi minh bạch và cũng có trách nhiệm lựa chọn đúng nơi mua hàng. Khi cả ba trụ cột: Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng cùng hành động, thị trường sữa sẽ dần phục hồi không chỉ về doanh số, mà cả về niềm tin - tài sản quý nhất của một nền kinh tế lành mạnh.
Để tránh mua phải sữa giả, người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm tại các cửa hàng, hệ thống phân phối uy tín, có đầy đủ hóa đơn và chứng từ kiểm định rõ ràng. Trước khi mua, cần kiểm tra kỹ mã vạch, tem chống hàng giả và thông tin QR code trên bao bì. Đặc biệt, nên giữ lại hóa đơn sau mua hàng để làm căn cứ khiếu nại khi cần thiết. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng có thể liên hệ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hoặc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước để được hỗ trợ kịp thời.