Vụ sữa bột giả: 1 triệu hộp tuồn ra thị trường, người tiêu dùng phải làm gì?
Vụ sữa bột giả, phát hiện gần 600 nhãn hiệu, tương đương 1 triệu hộp, gây chấn động dư luận và đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiêu dùng gửi đơn đến Cơ quan điều tra, kèm theo chứng cứ chứng minh thiệt hại, để được xem xét, xử lý.
Khoảng 1 triệu hộp sữa giả được tuồn ra thị trường
Vụ sữa bột giả, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, từ năm 2021 đến nay, hai công ty là Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất và phân phối 573 nhãn hiệu sữa bột giả, bao gồm các sản phẩm dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người bệnh, với doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm.
Tổng doanh thu từ việc bán sữa bột giả lên tới gần 500 tỷ đồng, nếu nhẩm tính với mức giá trung bình khoảng 500.000 đồng một hộp sữa (tương đương giá thị trường của các loại sữa nhập khẩu dành cho trẻ nhỏ và người bệnh) thì có khoảng 1 triệu hộp sữa giả được tuồn ra thị trường. Con số này thực sự đáng báo động, nhất là khi phần lớn người tiêu dùng mua những sản phẩm này với kỳ vọng chăm sóc sức khỏe cho con trẻ, người bệnh hoặc phụ nữ mang thai – những đối tượng vốn cần sự an toàn tuyệt đối về chất lượng.

Sữa bột giả
Song điều đáng nói, khi phát hiện sản phẩm mình mua nằm trong danh sách hàng giả, nhiều người tiêu dùng mang tới đại lý để trả hàng nhưng không được đổi trả.
Chị Lê Thị Nhung ở Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi mua hai hộp sữa bột cho bé ở một cửa hàng gần nhà, thấy mẫu mã đẹp, quảng cáo là chính hãng nên rất yên tâm. Đến khi nghe tin báo chí nói về vụ sữa giả, tôi kiểm tra lại thì đúng là hàng nằm trong danh sách sữa giả. Mang ra cửa hàng yêu cầu đổi trả thì nhân viên từ chối, nói không còn giữ hóa đơn nên không giải quyết. Tôi cảm thấy bị lừa nhưng không biết nhờ ai can thiệp”.
Tương tự là trường hợp của chị Vũ Thị Thanh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kể lại, chị mua hẳn một thùng sữa gồm 12 hộp về để cho con nhỏ dùng dần. Sau khi đọc thông tin, chị kiểm tra thì phát hiện sản phẩm nằm trong danh sách sữa bột giả. “Mang cả thùng quay lại cửa hàng thì họ bảo hết trách nhiệm vì tôi đã dùng một vài hộp và không còn giữ hóa đơn. Gần 6 triệu đồng coi như mất trắng, mà lo nhất là ảnh hưởng sức khỏe của cả nhà”, chị Thanh chia sẻ.
Người tiêu dùng gửi đơn đến Cơ quan điều tra
Những trường hợp như đã nêu không phải là cá biệt. Nhiều người tiêu dùng, khi phát hiện sản phẩm mình mua là hàng giả, đều gặp phải tình trạng đại lý chối bỏ trách nhiệm hoặc thậm chí “lặn mất tăm”. Đặc biệt, khi yêu cầu đổi trả hoặc đền bù, họ thường bị từ chối với lý do không giữ hóa đơn hoặc đã sử dụng sản phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng rơi vào thế khó, không biết phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó, phần lớn người dân thiếu thông tin pháp lý về quyền lợi của mình, cũng như thiếu các công cụ hỗ trợ hiệu quả để yêu cầu bồi thường hay khiếu nại. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Ai sẽ đứng ra bảo vệ người tiêu dùng?

Sữa bột giả
Điều 70 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định người tiêu dùng có thể khởi kiện vụ án dân sự hoặc ủy quyền tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (cụ thể là các Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Hội Bảo vệ người tiêu dùng) đại diện để khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo trình tự tại Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015. Trường hợp vụ án có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Để tìm câu trả lời trên, phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam đã liên hệ với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương. Sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, vụ sữa bột giả hiện đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố và điều tra. Trường hợp người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm sữa giả mà bị thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản (chi phí mua hàng), người tiêu dùng có thể chủ động gửi đơn yêu cầu đến Cơ quan điều tra, kèm theo chứng cứ chứng minh thiệt hại, để được xem xét, xử lý.

Sữa bột giả
“Bên cạnh đó, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023”, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.