Sau vụ tai nạn xe Thành Bưởi: Cần siết chặt quản lý xe khách

Bạn đọc cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các 'xe dù', 'bến cóc' để bảo đảm chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách.

Trong tuần qua, thông tin về vụ tài xế lái xe Thành Bưởi điều khiển xe khách vượt xe tải chạy cùng chiều, tông vào phía sau khiến năm hành khách tử vong. Câu chuyện thương tâm này khiến nhiều người bàng hoàng.

Bên cạnh việc chia sẻ nỗi đau mất mát, xui rủi từ vụ tai nạn xảy ra, một số bạn đọc cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý với các “xe dù”, “bến cóc” để chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách bảo đảm an toàn.

Nhà xe phải có trách nhiệm giám sát tài xế

Bạn đọc Thành Nhân bình luận: “Theo thông tin hình ảnh chụp từ camera giám sát hành trình thì tôi nhận thấy tài xế này có vi phạm lỗi không thắt dây an toàn. Thực tế, lỗi này có không ít tài xế chạy xe du lịch đang mắc phải. Vì thế, lực lượng CSGT cần thường xuyên kiểm tra và tăng khung hình phạt đối với lỗi này”.

“Qua vụ tai nạn trên mới thấy vai trò của chủ xe là rất quan trọng, phải có cách quản lý, kiểm soát chất lượng xe cũng như thái độ tuân thủ quy định pháp luật của tài xế khi lái xe. Để nâng cao trách nhiệm của chủ xe, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần có nghiên cứu đưa thêm quy định ràng buộc với chủ xe khi xe gây tai nạn” - bạn đọc Nguyễn Hoàng ý kiến.

“Với kinh nghiệm lái xe lâu năm, tôi lo ngại có khi nào tài xế ngủ gật khi lái xe đường dài dẫn đến tai nạn thương tâm hay không? Để tránh những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, ngoài yêu cầu chất lượng xe phải được bảo đảm thì sức khỏe và ý thức chấp hành quy định pháp luật của tài xế cũng rất quan trọng” - bạn đọc Hạnh Nhân nêu.

 Hiện trường vụ tài xế xe Thành Bưởi vượt ẩu gây tai nạn. Ảnh: CTV

Hiện trường vụ tài xế xe Thành Bưởi vượt ẩu gây tai nạn. Ảnh: CTV

Bạn đọc Khả Ngân chia sẻ: “Ngày 4-10, Bộ GTVT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về việc thực hiện công điện của Thủ tướng khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe Thành Bưởi và xe khách 16 chỗ.

Rất hoan nghênh sự vào cuộc chỉ đạo của Bộ GTVT trong việc quyết liệt xử lý tai nạn giao thông. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các nhà xe khác để không còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm nữa. Xin chia buồn cùng gia đình các nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn trên”.

Ai có trách nhiệm bồi thường khi xe gây tai nạn?

Từ vụ tai nạn trên, một số bạn đọc thắc mắc ai sẽ là người phải bồi thường? Trách nhiệm như thế nào?

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Theo Điều 601 BLDS thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như mô tô, ô tô... được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ và chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, theo Điều 600 BLDS thì cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Bộ GTVT yêu cầu tăng cường kiểm tra nhà xe

Qua vụ tai nạn xe khách vừa qua, Bộ GTVT cũng yêu cầu các sở GTVT trên cả nước khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của Thủ tướng về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.

Các đơn vị tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và giải pháp Bộ GTVT đã đề ra về tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù”, “bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định trên địa bàn địa phương.

Thêm vào đó, ngành giao thông phải tăng cường phối hợp với lực lượng CSGT và công an các địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của xe, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định…

PV

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-vu-tai-nan-xe-thanh-buoi-can-siet-chat-quan-ly-xe-khach-post755224.html