Sau 'vượt chướng ngại vật' là 'tăng tốc'
Từ 1/7/2023, tất cả xe kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp camera giám sát hành trình mới được cấp phù hiệu, biển hiệu. Sau những khó khăn ban đầu, chủ trương mới này đang dần đi đúng hướng.
Tỉ lệ xe lắp camera đạt con số ấn tượng
Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có một điều khoản đáng chú ý là tất cả đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Điều khoản trên chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Cụ thể, phương tiện chịu sự điều chỉnh của quy định trên bao gồm những xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả lái xe) trở lên và những xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo. Từ ngày 1/7/2023, các xe ô tô kinh doanh vận tải nêu trên nếu muốn được cấp phù hiệu và biển hiệu để lưu thông phải lắp camera hành trình theo đúng điều kiện quy định.
Theo Bộ GTVT, số xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo thuộc diện phải lắp camera giám sát trên cả nước là gần 207.000 xe. Thống kê của cơ quan này cho biết, tính đến hết năm 2022 đã có khoảng 200.000 xe đã hoàn thành lắp đặt camera hành trình. Như vậy, chỉ còn khoảng 7000 xe chưa thục hiện việc lắp đặt camera chỉ chiếm chưa đầy 4%.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến tháng 4/2022, đã có 150.000/207.000 xe kinh doanh vận tải hoàn thành việc lắp đặt camera hành trình, chiếm tỉ lệ khoảng 72%. Điều này có nghĩa, trong 8 tháng cuối năm 2022, đã có thêm khoảng 50.000 xe hoàn thành lắp đặt camera hành trình. Trừ đi số phương tiện đã ngừng kinh doanh hoặc chưa hoạt động kinh doanh vận tải trở lại sau dịch Covid-19 thì có thể nói số xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera còn không đáng kể.
Chủ trương yêu cầu xe kinh doanh vận tải phải lắp camera hành trình được quy định trong Nghị định 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo Nghị định trên, đến hết 31/12/2021 tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, sau đó, do nhiều DN vận tải gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 nên Chính phủ đã đồng ý “gia hạn” đến ngày 1/7/2023.
Vào thời điểm đầu quy định này mới được đưa ra đã nhận không ít ý kiến trái chiều và ánh mắt hoài nghi. Mặc dù hầu hết DN vận tải đều thừa nhận chủ trương lắp camera hành trình là đúng và cần thiết.
Các DN cũng như các Hiệp hội vận tải đều đồng tình với chủ trương trên. Thế nhưng, rào cản ở đây chính là chi phí mà DN phải bỏ ra để lắp đặt các camera giám sát là rất lớn. Điều này đã khiến khó khăn thêm chồng chất giữa đại dịch Covid-19. Đây cũng là lí do chính để Bộ GTVT, Chính phủ đồng ý lùi thời hạn thực hiện việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh đến ngày 1/7/2023 thay vì cuối năm 2021 như ban đầu.
Tín hiệu đáng mừng
Các chuyên gia cho rằng, sau những khó khăn ban đầu vì sự e dè cũng như lo ngại về chi phí lớn của các DN vận tải, hiện nay việc thực hiện chủ trương lắp đặt camera hành trình cho xe kinh doanh vận tải đã dần đi đúng hướng. Tỉ lệ phương tiện đã hoàn thành quy định tính đến nay đã thể hiện rõ ràng nhất điều này.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhận định, việc lắp đặt camera giám sát hành trình chỉ có mục đích là quản lý lái xe và quản lý hành khách, số lượng khách lên xuống thì cái đó rất thiết thực. “Đối với ngành vận tải chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương của Đảng và Nhà nước” – ông Bùi Danh Liên nói.
Theo chuyên gia giao thông này, dù chủ trương lắp đặt camera giám sát cho xe kinh doanh vận tải là đúng đắn và cần thiết nhưng cũng không phủ nhận các DN vẫn đang gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện quy định trên, và hơn lúc nào hết các DN vẫn cần tiếp sự hỗ trợ. Hai khó khăn điển hình mà DN vận tải đang gặp phải là khó khăn về tài chính và khó khăn về công nghệ.
Ông Bùi Danh Liên phân tích, việc lắp đặt camera giám sát hành trình chung với các thiết bị cũ của xe bằng các thiết bị 2G nhưng hiện nay cả nước đang chuyển sang sử dụng thiết bị 4G, điều này khiến các DN vận tải cần có thời gian và đầu tư để thay thế. Bên cạnh đó, với chi phí một thiết bị camera trên xe ít nhất có giá 5.000.000 đồng và phải đóng thêm tiền duy trì hoạt động của các nhà cung cấp, nếu một DN vận tải có khoảng vài chục đầu xe, chi phí cho việc này là không hề nhỏ.
Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, quy định lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm ATGT.
Về những băn khoăn của DN liên quan đến yếu tố công nghệ, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo ghi nhận của cơ quan này trong thời gian qua, việc lắp camera trên xe kinh doanh vận tải có 2 xu hướng là lắp đặt rời rạc và lắp đặt tích hợp. Trong đó, xu hướng lặp đặt tích hợp vốn mang tới nhiều lợi thế hơn cho DN.
Cụ thể, với cách lắp đặt này, các thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera đạt TCVN13396 bản chất là hướng đến việc tích hợp giữa camera Nghị định 10 với thiết bị giám sát hành trình trước đây và các doanh nghiệp chỉ cần 1 thiết bị duy nhất trên xe.
Nếu thực hiện cách lắp đặt trên, nhà xe chỉ cần dùng 1 sim, khi cắt 2G sẽ không mất chi phí nâng cấp mà dữ liệu còn đồng nhất và được Nhà nước công nhận đạt các tiêu chí của nghị định và thông tư hiện hành. Trong khi đó, nếu lắp đặt rời rạc, nhà xe phải sử dụng 2 thiết bị trên xe, gồm 1 thiết bị giám sát hành trình và 1 camera, theo các chuyên gia việc này sẽ hại ắc quy, dùng tới 2 SIM nên tốn chi phí duy trì lâu dài.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sau-vuot-chuong-ngai-vat-la-tang-toc.html