Saxophone An Trần: Tuổi 20 ở nhà thuê 50 triệu/tháng, thích xăm hình trên người

Saxophone An Trần - một trong các nghệ sĩ biểu diễn tại Hòa nhạc Quốc gia 'Điều còn mãi 2024' do Báo VietNamNet phối hợp với IBgroup Việt Nam tổ chức sản xuất - lần đầu chia sẻ về người mẹ giỏi giang, giàu tình cảm cùng tư tưởng phóng khoáng.

Bị đùa dung tục, ác ý vì chơi saxophone

- Từng biểu diễn tại Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2023, lần trở lại này hẳn không còn nhiều áp lực với bạn?

Ngược lại, tôi áp lực hơn. Tôi quen thuộc bài Mẹ yêu con vì từng nghe ba Tuấn chơi rất nhiều lần trong khi Tình ca Tây Bắc lại mới mẻ và xa lạ, đến nay vẫn chưa hoàn toàn hiểu tác phẩm. Tôi không muốn chơi một cách sáo rỗng, vô hồn, nhất là với một ca khúc đầy chất liệu dân tộc như vậy. Ba Tuấn đang giúp tôi tiếp cận bài hát, sau đó chú Hùng (nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - PV) sẽ hỗ trợ thêm.

Sau chương trình, tối 2/9, tôi sẽ trở về Mỹ vì đã trễ nhập học 2 ngày.

- Đam mê saxophone trong bạn xuất phát từ nhu cầu cá nhân hay do cha "mớm"?

Từ bé, tôi đã thực sự tò mò và muốn chơi saxophone nhưng ba không cho. Ba nói con gái chơi saxophone kỳ quá, nhạc cụ này dành cho đàn ông.

Nhân lúc ba đi công tác châu Âu, tôi - năm đó mới 9 tuổi - lôi kèn saxophone ra nhờ anh hai dạy. Khi ba về, tôi đã chơi cho ba nghe trọn vẹn 1 bài, từ đó mới được theo đuổi bộ môn.

Saxophone An Trần.

Saxophone An Trần.

Sau này lớn lên, tôi gặp rất nhiều lời đùa cợt rất ác ý liên quan đến từ "thổi kèn". Thỉnh thoảng, những anh em, bạn bè thân thiết trong nghề cũng đùa như vậy.

Tôi khá dễ chịu, miễn là câu đùa không đi quá xa và không dung tục sẽ cười cho qua, không phản ứng lại. Tôi cũng không hay dành thời gian đọc bình luận trên mạng nên mặc kệ thôi.

- Bạn chịu áp lực nào khi là con gái Trần Mạnh Tuấn?

Người xung quanh nói ra nói vào khá nhiều như "sống sao phải giữ hình ảnh cho ba", "khi nào con hơn cha, nhà mới có phúc"... Tôi có nghĩ về nó nhưng không quá để tâm.

Không có cuộc đua nào giữa tôi và ba Tuấn vì 2 cá thể khác nhau đang trên những hành trình khác nhau. Ba Tuấn sẽ mãi là tượng đài saxophone, với tôi không ai có thể qua được. Trong khi đó, tôi định hướng trở thành nhà sản xuất âm nhạc, giám đốc âm nhạc nên không thể so sánh hay đặt ra cuộc đua để tôi vượt qua ba được!

Làm con gái ba Tuấn dĩ nhiên áp lực nhưng tôi biết ơn vì được ba dẫn đi con đường đúng đắn từ đầu. Được ba tạo điều kiện như vậy, tôi càng đặt ra cho bản thân nhiều thử thách hơn.

An Trần và ba Tuấn. Ảnh: Tư liệu

An Trần và ba Tuấn. Ảnh: Tư liệu

- Giới truyền thông chỉ biết "người con chơi saxophone nối nghiệp Trần Mạnh Tuấn" là An Trần và chính anh Tuấn hầu như chỉ lăng-xê bạn. Anh trai bạn - cũng là một nghệ sĩ saxophone - chia sẻ gì về việc này?

Anh tôi kín tiếng và trầm tính, không muốn xuất hiện trước truyền thông nên gia đình tôn trọng điều đó. Khá dễ hiểu vì bản chất của nổi tiếng là đánh đổi nhiều điều để giữ hình ảnh luôn sạch sẽ trước truyền thông. Anh hai cũng vui khi em gái được mọi người quan tâm, yêu quý.

Thuê nhà ở Mỹ tốn 50 triệu/tháng

- Đời sinh viên ở Mỹ của bạn thế nào?

Tôi và 2 người bạn thuê 1 căn nhà. Giá thuê ở Boston đắt kinh khủng, ở ghép vẫn tốn 2.000 USD/tháng (hơn 50 triệu đồng). Nếu thuê rẻ hơn, nhà vừa xa trường vừa nhỏ lại không an toàn.

May mắn, tôi vẫn nhận học bổng đều đặn từ trường Berklee nên không tốn học phí 3 năm nay.

Tôi thường dậy vào 9-10h hoặc sớm hơn tùy lịch học. Mỗi ngày trôi qua như một vòng lặp, chỉ học và học. Thỉnh thoảng, tôi tập kèn hoặc tham gia các buổi jam (tụ tập giao lưu và chơi nhạc ngẫu hứng - PV) ở trường.

An Trần sang Mỹ năm 14 tuổi. Ảnh: FBNV

An Trần sang Mỹ năm 14 tuổi. Ảnh: FBNV

Nếu rảnh hơn, tôi thích đi thăm các bảo tàng, lần gần nhất là Isabella Stewart Gardner hoặc du lịch New York, Washington, D.C., Virginia, Los Angeles...

Hàng quán ở Boston đóng cửa khoảng 20h30 trong khi phần lớn ngày tôi học đến 20h, đâu còn chỗ nào để giải trí. Phòng thu ở đây chỉ nhận đặt lịch từ 22h đến 6h sáng hôm sau, chúng tôi thường xuyên làm việc thâu đêm.

Vì vậy, tôi rất thích về Việt Nam. Ngoài 2 kỳ nghỉ hè và đông cố định, tôi về nước gần như bất cứ khi nào rảnh.

- Ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, bạn chỉ học và học có lãng phí thanh xuân?

Tôi không rõ lắm nghĩa của từ "lãng phí". Một số người quen cũng nhận định tôi "già trước tuổi". Nhưng cuộc sống của mình mà, vui là được.

- Sao bạn chọn học chuyên ngành MPE (Music Production Engineering) và ngành phụ Kinh doanh âm nhạc trực tuyến thay vì saxophone?

An Trần về Việt Nam bất cứ lúc nào có thời gian.

An Trần về Việt Nam bất cứ lúc nào có thời gian.

Tôi muốn có cái nhìn bao quát, toàn diện về ngành công nghiệp âm nhạc. Nếu tôi chỉ biết về saxophone, góc nhìn sẽ khá hạn hẹp và không có nhiều lựa chọn để phát triển.

Tôi không định trở thành một nghệ sĩ chỉ biết chơi saxophone thuần túy. Hai năm nay, tôi đã định vị bản thân với vai trò nhà sản xuất âm nhạc và giám đốc âm nhạc. Gần nhất, tôi thay ba Tuấn đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc của đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Quảng Trị hồi tháng 7.

- Nhà sản xuất âm nhạc trẻ hiện nay cực nhiều, bạn nhắm sức cạnh tranh đến đâu?

Anh nói đúng nhưng để làm giám đốc âm nhạc một chương trình lớn, festival lại đòi hỏi cao hơn nhiều. Bạn phải hiểu ban nhạc, dàn giao hưởng, những người chơi nhạc cụ để viết tổng phổ, viết bài... Nếu chỉ làm việc trên máy tính đã được gọi là nhà sản xuất âm nhạc, tôi không đồng tình lắm.

Gia đình 4 thành viên của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Ảnh: NVCC

Gia đình 4 thành viên của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Ảnh: NVCC

- Mảng bạn vừa nói lại là "lãnh địa" của các bô lão như Huy Tuấn, Quốc Trung, Đức Trí... đấy!

Nhưng đến một thời gian nào đó, các chú cũng phải nhường lại cho thế hệ trẻ phải không ạ? Đây không phải cuộc đấu mà chúng tôi kế thừa, tiếp nối con đường của các chú.

Thay đổi tính cách sau khi cha đột quỵ

- Người ta hay gọi bạn là "con gái Trần Mạnh Tuấn", khía cạnh "con gái của Kiều Đàm Linh" thì sao?

Ba dạy tôi làm nghề còn mẹ dạy tôi làm người! Là người theo đạo Phật và tu tại gia, bà có cái tâm rất tốt, luôn hướng con gái đến cái thiện, sống sao cho khỏe mạnh và trở thành người tốt.

- Không ép con gái "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" là may rồi!

Mẹ còn rủ tôi đi xăm đôi. Bà sợ đau nên kêu tôi đi xăm trước, cuối cùng không xăm nữa. Thế là tôi mang tiếng đi xăm đôi nhưng chỉ mình có!

An Trần với phong cách đầy cá tính.

An Trần với phong cách đầy cá tính.

- Điều đó có ổn với bạn không?

Không sao vì tôi khá thích xăm. Tôi có 3 cái rồi, sẽ xăm thêm nhưng không phải kiểu kín tay, kín người. Tôi cũng xỏ khuyên khá nhiều, đính đá răng nữa. Gia đình không ý kiến gì trừ việc đính đá răng hơi nhiều, đã gỡ bớt 1-2 hạt rồi. (cười)

- Hai mẹ con thường tâm sự những gì?

Tôi hầu như giữ trong lòng, thậm chí hiếm chia sẻ với bạn bè, cung Bọ cạp mà! Tính tôi hồi xưa cũng xéo xắt, khó chịu đúng kiểu Bọ cạp, giờ lại rất thoải mái mọi thứ, bị "thuần hóa" rồi.

- Có nguyên do nào cho việc bị "thuần hóa"?

Rất nhiều chuyện đã xảy ra, tiêu biểu là cú sốc ba Tuấn bị đột quỵ. Sau giai đoạn đó, tôi nói "OK" với phần lớn chuyện không ưng ý trong cuộc sống.

- Sự cố xảy đến với ba Tuấn thay đổi gia đình bạn thế nào?

Ngày xưa, ba tôi là trụ cột gia đình, giờ mẹ phải gánh vác mọi thứ nên bầu không khí trong nhà ít nhiều thay đổi.

An Trần và mẹ - chị Kiều Đàm Linh. Ảnh: NVCC

An Trần và mẹ - chị Kiều Đàm Linh. Ảnh: NVCC

Mỗi ngày, cả nhà duy trì thói quen ăn trưa cùng nhau. Các kỳ nghỉ cũng vậy, tôi chủ động về nhà chứ ba mẹ luôn hiểu và ưu tiên cho công việc, học hành của con gái.

Ở nhà, mẹ gần với anh hai hơn vì tôi đi du học từ năm 14 tuổi. Hai mẹ con không phải kiểu có thể chia sẻ mọi thứ nhưng tôi biết trên vai bà có nhiều gánh nặng nên rất stress.

Năm đó, tôi vẫn nhớ mẹ đã lo lắng thế nào khi ba bệnh nặng, nhà không còn tiền. Sau đó, bà quyết định mở lại jazz club trong nhà, may mắn được người quen, bạn bè và học trò của ba đến ủng hộ khá nhiều.

- Bạn định hướng tương lai ra sao?

Tôi hiện là sinh viên năm 3, dự định tốt nghiệp sẽ về Việt Nam sinh sống và hoạt động song song 2 quốc gia. Ở Mỹ, tôi tập trung vào làm việc ở phòng thu và có khá nhiều mối quan hệ tại đây nhưng để tiếp cận, hoạt động cùng các nghệ sĩ lớn không đơn giản.

Saxophone An Trần hiện tại. Ảnh: FBNV

Saxophone An Trần hiện tại. Ảnh: FBNV

Tôi cũng mong muốn nhưng không đặt nặng việc chinh phục các giải thưởng. Trường Berklee nổi tiếng là "lò" đào tạo những nghệ sĩ được đề cử hoặc thắng giải Grammy.

Năm ngoái, một số người bạn bằng tuổi và làm việc cùng phòng thu với tôi đã có tên trong danh sách đề cử Grammy! Vì vậy, dù không tham vọng, tôi vẫn muốn chăm chỉ làm việc đến khi "trái ngọt" đến với mình.

Môi trường công việc ở Việt Nam sôi động và hoàn toàn khác. Tôi từng sốc khi thấy nền giải trí trong nước đang phát triển quá nhanh ở tất cả khía cạnh.

Lần nào về nước, tôi cũng "bung xõa" hết mức, chạy show tới tấp và tham gia các hoạt động khác. Ngoài ra, tôi gặp gỡ, giao lưu với người trong nghề và được truyền cảm hứng rất nhiều.

Về âm nhạc, tôi vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm để tìm kiếm những gì phù hợp nhất. Hiện tại, tôi thích nhất hiphop, cụ thể là nhánh jazz hop và afro. Tôi vẫn ấp ủ làm 1 album đầu tay, dĩ nhiên toàn bộ tự sáng tác và sản xuất, ai lại chơi cover.

Hiện tại, tôi vẫn sống cùng gia đình vì muốn dành nhiều thời gian cho bên ba mẹ. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể ra ở riêng vì độc lập tài chính là chuyện đơn giản.

An Trần thăng hoa với "Mẹ yêu con" trong "Điều còn mãi 2023"

Gia Bảo

Nguyễn Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/saxophone-an-tran-tuoi-20-o-nha-thue-50-trieu-thang-bat-mi-hinh-xam-doi-voi-me-2313146.html