Say điệu khèn Mông

Tại Liên hoan văn nghệ, thể thao dân tộc Mông huyện Hàm Yên năm 2024 vừa được tổ chức, ai cũng ấn tượng với tiết mục thổi khèn Mông của ông Lò Văn Tùng, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành. 85 năm tuổi đời, hơn 60 năm gắn bó với khèn Mông, ông Tùng đã truyền dạy được cho một số học trò thổi khèn Mông thành thạo, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.

Đã 85 tuổi nhưng ông Lò Văn Tùng, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) vẫn thường xuyên biểu diễn với cây khèn Mông.

Đã 85 tuổi nhưng ông Lò Văn Tùng, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) vẫn thường xuyên biểu diễn với cây khèn Mông.

Ông Tùng sinh năm 1940. Trước đây, gia đình ông cùng 20 hộ đồng bào Mông chuyển từ huyện Xín Mần (Hà Giang) về xã Tân Thành (Hàm Yên) sinh sống. Về quê hương mới, ông Tùng vẫn giữ gìn hai cây khèn Mông đã mua từ trên quê cũ; ông vẫn thường xuyên tập luyện những điệu múa khèn uyển chuyển, điêu luyện. Không chỉ tham gia biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, ngày hội ở xã, ông còn được xã lựa chọn tham gia giao lưu, biểu diễn văn nghệ cấp huyện, tỉnh.

Ông Tùng chia sẻ, say mê thổi khèn Mông và những điệu múa khèn từ nhỏ, nên năm 20 tuổi ông đã tìm thầy để học thổi khèn, múa khèn. Trong 3 năm, ông đã được thầy truyền dạy 360 bài khèn Mông, trở thành người thổi khèn thành thạo.

Khi học thổi khèn, khó nhất là việc sử dụng ngón tay phải đều theo động tác, tiếng hơi. Có người lấy hơi tốt, nhưng lại quên điều khiển các ngón tay thì không thể thành bài. Vì vậy, người thổi khèn hay, múa khèn giỏi là người biết cảm thụ âm nhạc và kết hợp nhuần nhuyễn giữa động tác tay, chân với việc lấy hơi thổi khèn. Bởi vậy, không phải ai cũng có thể vừa thổi khèn vừa múa giỏi.

Ông Lò Văn Tùng, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) thổi khèn Mông.

Ông Lò Văn Tùng, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) thổi khèn Mông.

Anh Lò Văn My, con trai ông Tùng nói, anh và các anh em trong gia đình đều thích nghe bố thổi khèn và múa khèn Mông, nhưng không ai học được như ông. Tuy nhiên, ông luôn dạy bảo các con phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vì vậy anh và mọi người tham gia các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co…

Vừa qua, tại Liên hoan văn nghệ, thể thao dân tộc Mông do UBND huyện tổ chức, anh đã thi đấu môn đẩy gậy và đạt giải Nhất. Anh cũng thường tham gia các giải thể thao do xã tổ chức. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc trong xã, huyện giao lưu, học hỏi, cùng nhau giữ gìn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình ở địa phương.

Ông Lò Văn Tùng nói chuyện với cháu nội về cách học thổi khèn.

Ông Lò Văn Tùng nói chuyện với cháu nội về cách học thổi khèn.

Thích thú ngồi nghe ông thổi khèn, em Lò Thị Hiền, 9 tuổi, cháu nội ông Tùng nói, mỗi khi nghe ông thổi khèn cháu rất thích. Ông bảo cháu còn nhỏ, sau này nếu cháu yêu thích, ông sẽ dạy cháu thổi khèn. Cháu tin, chỉ cần thực sự say mê và kiên trì tập luyện là cháu sẽ học được.

Mỗi dịp lễ, Tết, ông Tùng lại thổi khèn, biểu diễn phục vụ bà con, người dân địa phương. Đó là những bài ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đổi mới. Ông Tùng nói, nhờ ơn Đảng, Bác Hồ đồng bào Mông có đất để ở, có ruộng để cấy, yên tâm sinh sống, chăm lo sản xuất phát triển kinh tế. Bằng tiếng khèn vui tươi, rộn ràng… ông luôn mong muốn làm phong phú hơn đời sống tinh thần của bà con, đó cũng là cách để ông giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông nơi đây.

Huyền Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/say-dieu-khen-mong-194948.html