Say mê tìm vẻ đẹp văn chương

Khi còn là giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ, Đỗ Nguyên Thương được các thế hệ học sinh yêu quý bởi tính cách dịu dàng, nhuần nhị, đặc biệt là bởi những bài giảng văn lôi cuốn, hấp dẫn. Chỉ mấy năm ở trường chuyên, chị có tới 9 học sinh giỏi đoạt giải Văn quốc gia.

Vào thời điểm đó, có thể xem là một “thương hiệu” trong nghề. Cùng với việc giảng dạy trên lớp, “cầm” đội tuyển, Đỗ Nguyên Thương cũng sớm bén duyên với phê bình văn học. Công việc yêu thích của chị là viết những bài bình luận, phân tích tác phẩm văn chương trong trường phổ thông.

Rời trường chuyên, Đỗ Nguyên Thương về Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ làm chuyên viên phụ trách môn Văn, rồi làm Chánh Thanh tra Sở. Công việc hành chính, dầu có ít nhiều làm đứt đoạn nhưng chị vẫn giữ được thói quen đọc và viết. Gần đây, khi hoàn thành nhiệm vụ của một công chức, chị toàn tâm toàn trí vào công tác văn học nghệ thuật.

Đến nay, chị đã xuất bản 2 tập sách phê bình “Đi tìm vẻ đẹp văn chương 1” (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ, 2005; tái bản 2006) và “Đi tìm vẻ đẹp văn chương 2” (NXB Hội Nhà văn, 2022), tập thơ “Cảm ơn cuộc đời” (NXB Hội Nhà văn, 2020). Đỗ Nguyên Thương cũng là đồng tác giả của “Tuyển tập lí luận phê bình và văn nghệ dân gian” và khá nhiều sách tham khảo cho giáo viên Văn THCS và THPT. Cuốn “Đi tìm vẻ đẹp văn chương 2” của chị nhận giải A của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ năm 2022.

Tác giả Đỗ Nguyên Thương.

Tác giả Đỗ Nguyên Thương.

“Đi tìm vẻ đẹp văn chương 3” (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Đỗ Nguyên Thương gồm 34 bài, tuy khác nhau về dung lượng, cách tiếp cận song đều tập trung bút lực vào một chủ đề chung. Là người phụ trách Chi hội Lý luận phê bình của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, Đỗ Nguyên Thương có dịp tiếp xúc, cọ xát với những vấn đề mang tính thời sự của lí luận phê bình văn học hiện nay. Không phải ngẫu nhiên, mở đầu tập sách, tác giả chạy đà bằng việc điểm danh “câu chuyện phê bình” qua những thu lượm của bản thân về công tác phê bình trong tâm thế của một người viết say nghề và trách nhiệm: “Về việc nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Bàn về chất văn trong bài phê bình văn học. Hiểu thế nào về một bài phê bình hay...”.

Coi trọng lí luận, xem lí luận là nền tảng của phê bình văn học và dạy học văn, song Đỗ Nguyên Thương không chủ ý bàn về lí luận, mà tập trung vào công việc chính của mình, cũng là trọng tâm của cuốn sách: truy tìm những vẻ đẹp văn chương. Đọc tiểu luận, phê bình của Đỗ Nguyên Thương, thấy tác giả quan tâm đến các chủ đề khá phong phú, song chủ yếu xoay quanh “câu chuyện tâm thức”: giải mã, khám phá các bình diện tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm văn chương (chi tiết, chủ đề, tư tưởng, ngôn ngữ, giọng điệu, tín hiệu thẩm mỹ…). Trong địa hạt văn học nhà trường có lẽ là thế mạnh của mình, Đỗ Nguyên Thương tìm kiếm cái mới ngay trong những tác phẩm vốn đã được định hình giá trị từ lâu trong lòng bạn đọc.

Thực tiễn cho thấy, việc đọc để đào sâu, tìm kiếm những nét đẹp còn bị “bỏ sót” đối với các tác phẩm quen thuộc luôn có một sức hấp dẫn lớn và ý nghĩa thực tiễn cao. Loạt bài “Nam Cao với bi kịch của người trí thức nghèo qua tác phẩm “Đời thừa”, “Chênh vênh say tỉnh - chênh vênh phận người” (đọc tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao), “Sức hấp dẫn của bài thơ “Ông đồ” (nhân đọc bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên), “Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” (Đọc tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân), “Về vai trò mở đường của Nguyễn Minh Châu đối với việc đổi mới văn xuôi Việt Nam sau năm 1975", “Sóng” của Xuân Quỳnh - những cung bậc tình yêu”… là những minh chứng tiêu biểu cho cách thẩm bình của Đỗ Nguyên Thương, cũng là loạt bài có nhiều giá trị tìm tòi nhất trong tập sách.

Có thể nhận thấy, đối tượng phê bình của Đỗ Nguyên Thương khá đa dạng. Sau loạt bài về văn học nhà trường, gần đây tác giả quan tâm nhiều hơn đến các hiện tượng văn chương đương đại, chủ yếu là của các đồng nghiệp và những bạn văn quen biết. Tiêu biểu trong số đó, chẳng hạn như: “Đôi nét về nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương”, “Về tiểu thuyết “Keo đỏ” của tác giả Vũ Quốc Khánh”, “Thơ của người thầy đã từng là bộ đội Trường Sơn” (về thơ Đoàn Hải Hưng), “Sức hấp dẫn của bài thơ song ngữ Tày - Việt “Ăn còn - Quả còn” của Dương Khâu Luông”, “Thơ 1-2-3 của Phan Hoàng, đôi điều cảm nhận”, “Về tập thơ 1-2-3 "Lối sen sương" của Vũ Thanh Thủy”, “Đọc thơ Nguyễn Hưng Hải”…

Sợi chỉ khiến phê bình của Đỗ Nguyên Thương luôn vững chắc là lí luận. Không phải ngẫu nhiên, người viết luôn có ý thức trang bị cho mình một nền tảng lí luận chắc chắn, chí ít là trong lĩnh vực, vấn đề mình quan tâm. Góc nhìn lý thuyết của Đỗ Nguyên Thương không hoàn toàn mới, mà chủ yếu là các lí thuyết cổ điển, song với khả năng “đọc sâu” và năng lực thực hành phân tích văn bản thấu đáo, kĩ lưỡng của tác giả, các bài viết vẫn có ý nghĩa gợi mở và giá trị thực tiễn cao.

Đỗ Nguyên Thương dường như phù hợp với lối bình điểm, đi vào một vấn đề, chi tiết, ít khi đặt ra những vấn đề mang tính khái quát của đời sống văn học. Các bài viết của chị có sức hấp dẫn bởi năng lực thẩm bình văn chương tinh tế. Đây có lẽ là thế mạnh nổi trội nhất của ngòi bút phê bình Nguyên Thương. Trên cơ sở đó, tác giả có nhiều tìm tòi phát hiện những tín hiệu thẩm mỹ phong phú của văn bản.

Chẳng hạn, khi phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, chị khẳng định: “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ hay, đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật, và góp phần làm nên giá trị trường tồn của bài thơ chính là giọng điệu. Giọng điệu khắc khoải, nhớ mong, khát khao cháy bỏng; đó cũng chính là tình người, tình đời tha thiết của thi sĩ với quê hương, với con người, với cuộc sống” (Giọng điệu trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử).

Đỗ Nguyên Thương cũng chứng minh thuyết phục sức hấp dẫn của “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là bởi “nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, nghệ thuật dựng cảnh, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và bút pháp tương phản trong việc khắc họa hình tượng” (Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có).

Viết về “Chí Phèo” của Nam Cao, tác giả cho rằng: “Tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nam Cao là nhà văn đã để nhân vật của mình đi chênh vênh trên ranh giới của loài người và loài vật, giữa say và tỉnh, giữa ý thức và vô thức. Và điều quan trọng là cuộc đời Chí Phèo chính là hành trình đi tìm nhân cách - một vấn đề có ý nghĩa muôn thuở mà Nam Cao đặt ra thông qua hình tượng nhân vật Chí Phèo” (Chênh vênh say tỉnh - chênh vênh phận người).

Bìa một tác phẩm của Đỗ Nguyên Thương.

Bìa một tác phẩm của Đỗ Nguyên Thương.

Đỗ Nguyên Thương dụng công chứng minh vai trò của Nguyễn Minh Châu với tư cách người mở đường cho đổi mới văn học trên các bình diện quan điểm nghệ thuật và thực tiễn sáng tác (Về vai trò mở đường của Nguyễn Minh Châu đối với việc đổi mới văn xuôi Việt Nam sau năm 1975).

Phê bình tác giả, đặc biệt là các tác giả đương đại, Đỗ Nguyên Thương không dành thời gian vào tiểu sử, mà tập trung phân tích văn bản để kiếm tìm hình tượng tác giả. Có lẽ, trong công việc thường ngày của người làm công tác Hội, chị cố gắng loại trừ những quan hệ thân sơ trong khi đọc, để kiếm tìm một tiếng nói khách quan.

Phân tích văn bản văn chương, Đỗ Nguyên Thương chủ tâm tìm tòi cả hai bình diện tư tưởng và thi pháp nghệ thuật. Ở mỗi tác giả, tác phẩm khác nhau lại có sự đậm nhạt ở mỗi chiều cạnh khác nhau. Nhận xét nội dung thơ 1-2-3 của Phan Hoàng, chị cho rằng tác giả đã “đi từ hướng ngoại dần vào hướng nội. Đây là một cố gắng thể nghiệm mới trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Phan Hoàng. Với tôi, khi đọc anh, thấy không còn là thử nghiệm, mà là đã đủ độ chín cho người tiên phong lối viết này tại Việt Nam” (Thơ 1-2-3 của Phan Hoàng, đôi điều cảm nhận).

Đỗ Nguyên Thương cho rằng tiểu thuyết “Keo đỏ” của Vũ Quốc Khánh hấp dẫn người đọc trước hết ở nội dung: “câu chuyện tình yêu trong chiến tranh, câu chuyện số phận “sắp đặt” cho cuộc đời con người những thăng trầm, may rủi… cứ như những thước phim quay chậm dần dần hiện ra trước mắt mọi người”. Về nghệ thuật, "Keo đỏ" hấp dẫn người đọc bởi “giọng văn và ngôn ngữ giản dị, không cầu kỳ, không hàn lâm. Có những câu văn đạt tới độ “chất thơ trong tiểu thuyết” (Về tiểu thuyết “Keo đỏ” của tác giả Vũ Quốc Khánh)…

Có thể thấy, phê bình của Đỗ Nguyên Thương trên một ý nghĩa nào đó gần với lối phê bình tri âm. Trong trường hợp nào, chị cũng cố gắng tìm ra sự đồng điệu để khai thác, khám phá. Thế mạnh của Nguyên Thương là sự tinh tế và khả năng phát hiện vấn đề. Mặc dầu không đặt ra những vấn đề liên quan đến trào lưu, khuynh hướng vận động của văn học hiện nay, song phê bình văn học của Đỗ Nguyễn Thương đã trổ ra những ô cửa khác nhau để từ đó giúp bạn đọc đi vào thế giới nghệ thuật văn chương.

Có thể xem cuốn sách của Đỗ Nguyên Thương là một tài liệu hữu ích đối với bạn yêu văn, đặc biệt là đối với các nhà giáo, các bạn học sinh trong nhà trường phổ thông. Đỗ Nguyên Thương là một điểm sáng của lý luận phê bình ở các hội văn học nghệ thuật địa phương hiện nay. Từ nhà giáo giỏi chuyên môn đến người làm công tác phê bình văn học chuyên sâu, ở vị trí nào, chị cũng giữ được ngọn lửa đam mê nghiên cứu, phê bình và nhiệt huyết trao truyền tình yêu văn học. Tôi gọi Đỗ Nguyên Thương là người say mê đi tìm vẻ đẹp trong những áng văn chương là như thế.

Phùng Gia Thế

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/say-me-tim-ve-dep-van-chuong-i741214/