SCIC thoái vốn, Savina có gì hấp dẫn?

Theo thông tin chuyển nhượng cổ phần của SCIC, có 2 yếu tố đáng chú ý ở Savina đó là vốn góp của Vingroup và những khu 'đất vàng' mà công ty này quản lý.

Cổ phần “ế ẩm” dù sở hữu loạt đất vàng tại Hà Nội

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới đây thông báo chào bán cạnh tránh cổ phần của CTCP Sách Việt Nam (Savina, UPCoM: VNB). Theo đó, số lượng cổ phần mà SCIC đưa ra chào bán cạnh tranh là hơn 6,79 triệu cổ phần, tương ứng 10% vốn tại Savina.

Thời gian và địa điểm đăng ký và nộp tiền đặt cọc là từ 8h ngày 20/5 đến 15h30 ngày hôm nay (7/6/2024). Địa điểm là tại các đại lý chào bán cạnh tranh. Thời gian và địa điểm chào bán cạnh tranh là 9h ngày 14/6/2024 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra là 15.700 đồng/cổ phần. Trong khi trên thị trường, thị giá cổ phiếu VNB chỉ đang ở mức 12.000 đến 13.000 đồng/cổ phiếu, chốt phiên ngày 6/6, giá cổ phiếu VNB giảm 0,76% xuống 13.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 132.337 đơn vị.

Như vậy, mức giá mà SCIC hiện đang cao hơn so với thị giá cổ phiếu VNB của Savina. Nếu bán được toàn bộ số cổ phần của Savina, ước tính SCIC sẽ thu về ít nhất 105 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên SCIC đấu giá cổ phần của Savina. Trước đó, hồi tháng 3/2024, SCIC cũng đã đấu giá 6,79 triệu cổ phần của Savina với mức giá khởi điểm không đổi là 15.700 đồng/cổ phiếu nhưng không thành do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 25/3/2024), không có nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, nên cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức.

Trong bản công bố thông tin chuyển nhượng cổ phần của SCIC, có 2 yếu tố đáng chú ý ở Savina đó là cổ đông chiến lược Vingroup và những khu “đất vàng” mà công ty này đang quản lý.

Theo đó, tại ngày 15/3/2024, Tập đoàn Vingroup đang nắm 44,36 triệu cổ phần của Savina, tương đương tỉ lệ 65,33%. Năm 2016, Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch đã chọn Tập đoàn Vingroup là cổ đông chiến lược của Savina với tỉ lệ sở hữu 65% vốn điều lệ tương ứng hơn 44,14 triệu cổ phần.

Tình hình sử dụng 6 khu đất của Savina được công bố tại thông tin chào bán cổ phần của SCIC.

Tình hình sử dụng 6 khu đất của Savina được công bố tại thông tin chào bán cổ phần của SCIC.

Đồng thời, Savina đang quản lý và sử dụng 6 khu đất có vị trí đắc địa trên địa bàn Tp.Hà Nội bao gồm khu nhà, đất tại 44 Tràng Tiền, 22A - 22B Hai Bà Trưng, 1 phòng tại tầng 1 50A - Hàng Bài, số 4-6 ngõ 86 phố Chùa Hà và khu đất rộng gần 9.187,3 m2 tại xã Việt Hùng (huyện Đông Anh).

Tại khu đất 22A và 22B Hai Bà Trưng, Savina dự kiến triển khai dự án Trung tâm Văn hóa và Dịch vụ thương mại (Savina Plaza) có tổng diện tích nghiên cứu lập dự án là 4.600m2, diện tích xây dựng 3.220m2 với 6 tầng nổi và 4 tầng hầm. Tổng diện tích xây dựng là 16.200m2.

Công năng của dự án là siêu thị sách và văn hóa phẩm, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cao cấp cho thuê, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác, bãi đỗ xe tầng hầm. Dự án dành khoảng 2.000m2 và kết hợp với mạng lưới thương mại của Vingroup để phục vụ việc kinh doanh phát hành sách, các sản phẩm văn hóa.

Thông tin từ Savina, Tập đoàn Vingroup cam kết huy động 100% vốn cho công ty để thực hiện dự án tại khu đất 22A và 22B - Hai Bà Trưng theo đúng quy hoạch được phê duyệt, vốn huy động đảm bảo tối ưu về lãi suất, thời gian vay, điều kiện vay, độ tin cậy của nguồn cấp vốn theo đúng tiến độ (thu xếp tổ chức tín dụng uy tín cấp vốn cho Savina để thực hiện dự án).

Dự án dành khoảng 2.000m2 và kết hợp mạng lưới thương mại của Tập đoàn Vingroup để phục vụ việc kinh doanh phát hành sách, các sản phẩm văn hóa; có kế hoạch cụ thể để cung ứng nguồn sách cho hệ thống phát hành sách.

Dự án đã được nêu trong Hợp đồng mua bán cổ phần giữa Vingroup và Savina từ năm 2015. Tuy nhiên đến nay, sau 9 năm, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, dự án này vẫn chưa được thực hiện.

Hiện trạng khu đất 22A-22B Hai Bà Trưng hiện tại.

Hiện trạng khu đất 22A-22B Hai Bà Trưng hiện tại.

Đáng chú ý, liên quan đến dự án trên, tại báo cáo tài chính của Savina cho thấy, công ty có 6 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang được giải thích là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án bất động sản tại khu đất số 22A Hai Bà Trưng.

Theo báo cáo tài chính, năm 2016, khoản này đã xuất hiện với số tiền 4,5 tỷ đồng. Sang đến năm 2017 là 6 tỷ đồng và nằm im bất động từ đó đến nay.

Lợi nhuận phần lớn đến từ lãi vay và lãi tiền gửi

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I/2024, Savina ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ gần 7,3 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty báo lãi trước thuế gần 23 tỷ đồng và lãi sau thuế 18 tỷ đồng, đồng loạt tăng 11% so với năm trước.

Theo giải trình từ phía Savina, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế của công ty chủ yếu là do doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 12%, từ 23 tỷ đồng năm trước lên gần 26 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi cho vay và lãi tiền gửi ngân hàng.

Tại ngày 31/3/2024, Savina có 827 tỷ đồng cho vay một số doanh nghiệp với thời hạn cho vay 1 năm, lãi suất từ 11% đến 12%/năm.

Tại ngày này, tổng tài sản của Savina đạt gần 1.078 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,08% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đã giảm 11,8% xuống còn 1,7 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho thấy, công ty có 139 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, giảm nhẹ 1 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Dù vậy khoản tiền gửi này vẫn mang về cho công ty khoản lãi gần 1,5 tỷ đồng trong quý I/2024.

Khoản cho vay của Savina đã liên tục kéo dài trong nhiều năm qua, kể từ thời điểm năm 2017. Năm 2023, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn của công ty vẫn là 827 tỷ đồng, chiếm 78% tổng tài sản, tăng 7,4% so với đầu năm. Trong năm này, khoản vay trên cũng đem về cho Savina gần 90 tỷ đồng lợi nhuận.

Năm 2024, Savina đặt mục tiêu tổng doanh thu (bao gồm doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu tài chính) đạt 139 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 90,2 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2024, Savina đã hoàn thành 23,8% kế hoạch doanh thu và 25,5% chỉ tiêu lợi nhuận.

Công ty cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách khoán doanh thu đến từng phòng kinh doanh. Đảm bảo thu nhập của người lao động tương ứng với năng lực, khối lượng và hiệu quả công việc đem lại.

Công ty tiếp tục duy trì các hoạt động kinh doanh chính, truyền thống gồm sách và văn hóa phẩm. Đồng thời đẩy mạnh kinh doanh trên các kênh bán hàng trực tuyến như Tiki, Sendo để đáp ứng xu hướng và nhu cầu mua sắm của khách hàng. Nghiên cứu và phát hành sách điện tử.

Savina được thành lập 10/10/1952. Tiền thân của công ty là Sở Phát hành sách Trung ương, được tách ra từ Nhà in Quốc gia từ năm 1956, sau đó đổi tên thành Quốc doanh Phát hành sách Trung ương năm 1960 và hợp nhất với Công ty XNK Sách báo để thành lập Tổng Công ty Phát hành sách năm 1978.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in ấn và kinh doanh sách báo, văn hóa phẩm. Hiện vốn điều lệ thực góp của Savina là 679 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/scic-thoai-von-savina-co-gi-hap-dan-a667213.html