SCMP: Trung Quốc đại lục sắp ra luật an ninh cho Hong Kong
Truyền thông tiết lộ dự thảo nghị quyết về an ninh đối với Hong Kong sắp được trình cho quốc hội Trung Quốc phê duyệt, gồm nội dung chống ly khai và can thiệp nước ngoài.
Dẫn các nguồn thạo tin giấu tên, South China Morning Post cho biết một dự thảo nghị quyết sắp được đệ trình, cho phép Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc của Trung Quốc xây dựng một luật an ninh mới. Luật sẽ được thiết kế riêng cho Hong Kong, cấm hành vi ly khai và chống phá, can thiệp và khủng bố nước ngoài tại đặc khu này.
Một số nguồn tin cho biết các đại biểu quốc hội Trung Quốc sẽ nhận dự thảo nghị quyết an ninh trong đêm 21/5 và đệ trình phê duyệt vào trưa 22/5. Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết này vào cuối kỳ họp, có khả năng là ngày 28/5 vì sự kiện "Lưỡng Hội" năm nay chỉ kéo dài 1 tuần.
Theo Điều 23, Luật Cơ bản của Hong Kong, yêu cầu chính quyền đặc khu ban hành luật an ninh riêng. Tuy nhiên, một nguồn tin tại Trung Quốc đại lục cho biết Bắc Kinh đã đi đến kết luận Hội đồng Lập pháp Hong Kong không thể thông qua luật an ninh trong điều kiện chính trị hiện nay và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc sẽ nhận trách nhiệm này.
Đã 23 năm kể từ khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, đặc khu này chưa có luật an ninh riêng.
Trả lời South China Morning Post, nguồn tin này nhận định: "Nếu luật an ninh không xong trong kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân hoặc không lâu sau đó, có gì đảm bảo nó sẽ được Hội đồng Lập pháp Hong Kong thông qua trong 2 năm tới".
Nguồn tin này nhận định Bắc Kinh "không thể tiếp tục các hành động như phỉ báng quốc kỳ hoặc phá hoại quốc huy tại Hong Kong".
Nghị quyết sau khi được phê duyệt sẽ được chuyển cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc xây dựng chi tiết cụ thể thành luật.
"Quyết định của quốc hội sẽ ủy nhiệm Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng dự thảo luật cho Hong Kong, sau đó sẽ được đưa vào Phụ lục II của Luật Cơ bản Hong Kong", một nguồn tin tiết lộ luật mới sẽ được ban hành trực tiếp cho Hong Kong mà không cần đến lập pháp địa phương.
Thông tin xuất hiện giữa lúc tình hình tại Hong Kong tăng nhiệt trở lại với các cuộc biểu tình. Bầu cử Hội đồng Lập pháp Hong Kong dự kiến diễn ra vào tháng 9. Các đảng đối lập xem đây là cơ hội quyết định để chiếm thế đa số, cho phép ngăn chặn những dự luật được chính quyền đặc khu chịu sức ảnh hưởng của Bắc Kinh. Sự tự tin tăng cao sau cơn địa chấn bầu cử các hội đồng địa phương vào tháng 11/2019 với thắng lợi của nhóm ủng hộ bảo vệ các quyền tự trị của đặc khu.
Trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là "Chính Hiệp") ngày 21/5, Chủ tịch Chính Hiệp Uông Dương đã kêu gọi các đại biểu Hong Kong củng cố nhận thức trách nhiệm chính trị để duy trì chính sách "nhất quốc lưỡng chế" (một quốc gia, hai hệ thống).
Tuy nhiên, báo cáo của ông Uông lại bỏ qua các nguyên tắc quan trọng là "người dân Hong Kong quản lý Hong Kong" và "mức độ tự trị cao" của đặc khu.