Sẻ chia yêu thương
Người góp tiền, người góp sức, mỗi ngày nhóm thiện nguyện chuẩn bị 100 phần xúp và 100 phần cơm hộp phát cho người nghèo
"Gần năm giờ rưỡi (chiều) rồi. Lẹ, lẹ, mấy đứa nhỏ sắp ra tới nơi". Bà cụ đội nón lá lụp xụp, tay dắt chiếc xe đạp trơ khung có treo lủng lẳng vài chai nhựa đã cạn nước, gấp gáp giục một bà cụ khác đang gắng sức đẩy chiếc khung tập đi, tập tễnh từng bước ngắn. Họ di chuyển về ngã tư Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP HCM).
"Quán đóng cửa hết, tui bán cho ai?"
"Có người phát quà hả bà?" - tôi hỏi bà cụ khi chợt nhận ra những đôi mắt có phần quen thuộc và sự kiên nhẫn chờ đợi giống hệt vài lần tôi có dịp đi ngang những điểm hay phát quà từ thiện ở TP HCM.
"Một lát có mấy đứa nhỏ phát đồ ăn, chắc sắp ra rồi" - bà cụ đáp nhanh, tay chỉ về đường Lý Chính Thắng. Bà tên Bé, 65 tuổi. Đã 7 buổi chiều liên tiếp bà được nhận cơm ở đây.
Dạo trước, nghe ông bảo vệ một quán nhậu trên đường Trường Sa, nơi bà hằng đêm ghé mời khách nhậu những bịch cóc, xoài được gọt sẵn, than thở sắp thất nghiệp vì quán đóng cửa, bà chép miệng: "Chết, quán đóng cửa hết, tui biết bán cho ai?". Ngày thường đi dọc các quán nhậu trên đường Trường Sa, Hoàng Sa, ít nhất cũng bán được hai ba chục bịch cóc, xoài, đủ để bà xoay xở 2 bữa cơm mỗi ngày và 700.000 đồng tiền nhà trọ mỗi tháng. Quán xá đóng cửa, người dân hạn chế ra đường, rổ cóc, xoài của bà Bé vì thế cũng ế chỏng chơ.
Chỉ về phía người bạn đang ngồi thở cạnh chiếc khung tập đi sau khi di chuyển quãng đường dài, bà Bé kể: "Bả ở trọ với tôi, bán vé số trên đường này (Nam Kỳ Khởi Nghĩa - PV) nhưng người ta ngưng cấp vé, bả "mất nghề" luôn".
Không còn việc mưu sinh, cũng không có khoản tích cóp nào, may nhờ chủ nhà thương, mùa này không lấy tiền trọ nên họ chỉ phải lo cơm ăn hằng ngày. Hễ cứ nghe có phát cơm miễn phí, quà từ thiện gần chỗ ở, 2 người già lại dắt nhau đến.
Điểm hẹn nhân ái
Câu chuyện bỗng đứt ngang khi mọi người bắt đầu nhộn nhạo nhìn về hướng đường Lý Chính Thắng. "Đó, đó, mấy đứa nhỏ ra rồi đó" - bà Bé mừng rỡ.
Một nhóm gần 10 bạn trẻ xuất hiện cùng những giỏ đồ cồng kềnh, một chiếc nồi lớn, lò than và chiếc xe đẩy có dòng chữ viết tay tỉ mỉ: "14 ngày sẻ chia yêu thương".
Vừa đến góc ngã tư Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, họ bắt tay vào sắp xếp những giỏ đồ đầy ắp, nổi lửa và chiếc nồi lớn đựng xúp được làm nóng lên. "Hôm nay có cơm, bún bò, xúp và quà gồm mì gói, cháo gói, cá hộp. Mọi người xếp hàng, giữ khoảng cách an toàn, ai chưa có khẩu trang đứng sang một bên để con phát khẩu trang trước nha" - chị Trần Thụy Bảo Yến (SN 1986), trưởng nhóm thiện nguyện, thông báo.
Rất nhanh, những phần quà được phát đi. Mỗi người chọn thêm cho mình một phần ăn rồi nhanh chóng tản ra. Bà Nguyễn Thị Út (ngụ phường 7, quận 3) nhận xong quà nhưng nấn ná mãi rồi ngại ngần nói: "Cho bà xin thêm phần xúp được không? Bà mang về mời cơm ông. Ông mới mất 5 tháng nay". Chồng mất, nghề bán vé số dạo của bà tạm ngưng, đến bữa cơm mời người chồng đã khuất cũng không có. Nhưng theo bà, vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì biết tới điểm phát cơm miễn phí này.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Yến kể: "Trong mùa dịch này, nhiều thành viên trong nhóm cũng gặp khó khăn. Nhưng dù sao chúng tôi có công việc làm ổn định, còn họ không có nhà, công việc mưu sinh tạm thời không có". Chị cùng nhóm bạn phát động chương trình "14 ngày sẻ chia yêu thương". Người góp tiền, người góp sức, mỗi ngày nhóm của chị chuẩn bị 100 phần xúp và 100 phần cơm hộp. Riêng hôm nay có mạnh thường quân gửi thêm 100 phần bún bò để phát cho người nghèo. "Nhiều người gửi tiền quyên góp cho tôi, có những lần nhận chuyển khoản 50.000-100.000 đồng mà tôi xúc động lắm. Vì đó là tình cảm đáng trân quý, trong khó khăn vẫn không ngại san sẻ, giúp đỡ người khác" - chị Bảo Yến kể.
Đến hơn 21 giờ, những phần thức ăn được trao hết cho người đến nhận, nhóm của chị Yến lại rong ruổi phát cho những người vô gia cư trên đường.
Chịu khó đi khắp các ngóc ngách của TP, nhóm của chị Trần Thụy Bảo Yến mong mỏi sẽ không ai bị bỏ lại giữa mùa dịch bệnh này.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/se-chia-yeu-thuong-20200416214604142.htm