Sẽ có cơ chế chi trả tài chính carbon cho các sản phẩm gỗ
Sản phẩm từ gỗ là sản phẩm lưu giữ carbon và Việt Nam sẽ có cơ chế chi trả tài chính carbon cho các sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp.
Gỗ đóng vai trò hấp thụ và lưu trữ carbon - là một trong số ít ngành sản xuất phát thải khí nhà kính âm so với các ngành khác. Nếu sớm phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh nội dung này.
Với vai trò là đầu mối hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu, thị trường carbon của Chính phủ, ông có thể chia sẻ những thông tin về tín chỉ hấp thụ carbon từ rừng cũng như thị trường giao dịch tín chỉ này trên thế giới và Việt Nam hiện nay?
Tín dụng carbon từ rừng là một cách để chủ đất rừng kiếm tiền thông qua lượng cô lập carbon trong rừng của họ. Hiện nay, thông qua Cơ chế REDD+ (Cơ chế: Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng), một số tổ chức quốc tế ký kết với chính quyền địa phương hoặc quốc gia để chi trả tài chính nhằm hạn chế nạn phá rừng và phục hồi rừng. Tổng giá trị của thị trường carbon từ rừng toàn cầu được chi trả năm 2023 đạt xấp xỉ 2 tỷ USD và tất cả đều thông qua Cơ chế REDD+. Trong vòng 3 năm gần đây kể từ năm 2020, mỗi năm tổng chi phí chi trả cho tín chỉ hấp thụ carbon rừng đều tăng trưởng 10%.
Giá trung bình mỗi tín chỉ hấp thụ carbon từ rừng hiện đang dao động khoảng từ 1,62 USD/tấn đến 8,99 USD/tấn, tùy thuộc vào chất lượng, độ mạnh khỏe và tính bền vững của rừng; nhưng phần lớn được các tổ chức quốc tế chi trả ở mức 5 USD/tấn tín chỉ. Dự kiến đến năm 2030, tổng giao dịch tín chỉ hấp thụ carbon từ rừng đạt khoảng 20 tỷ USD (gấp 10 lần sao với 2021) và mức chi trả giao động từ khoảng 20 đến 50 USD/tấn.
Hiện nay trên thế giới, tổ chức dẫn đầu triển khai Cơ chế REDD+ là World Bank. Cụ thể, hiện World Bank đang ký kết với 15 quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), giá chi trả trung bình cho mỗi tấn hấp thụ carbon rừng là 5 USD, trong đó khoảng 95% số tín chỉ thu được sẽ được tính vào đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của quốc gia đó, 5% số tin chỉ còn lại sẽ do World Bank nắm giữ.
Vừa qua, theo ký kết với World Bank, lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tín chỉ, dự kiến thu về 51,5 triệu USD. Năm 2023 là năm đầu tiên chúng ta nhận được tiền chi trả là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, và Quảng Trị.
Vậy ngành gỗ Việt Nam có vai trò thế nào trong bối cảnh thị trường tín chỉ carbon đang bùng nổ hiện nay, thưa ông?
Gỗ đóng vai trò hấp thụ và lưu trữ carbon - là một trong số ít ngành sản xuất phát thải khí nhà kính âm so với các ngành khác với cùng mục đích sử dụng như sản xuất đá, mỹ nghệ từ đá, hoặc các ngành sản xuất nguyên vật liệu khác như nhựa, bê tông, thép…
Cụ thể mỗi tấn gỗ có khả năng tích trữ khoảng 0,9 tấn CO2. Điều này có nghĩa là sử dụng gỗ như một vật liệu xây dựng hoặc các sản phẩm từ gỗ có thể giảm lượng khí thải CO2 vào bầu khí quyển bằng cách giữ carbon bị khóa trong suốt thời gian sử dụng của sản phẩm. Đặc biệt phát thải từ quá trình sản xuất gỗ thấp hơn nhiều so với các vật liệu xây dựng khác, với ước lượng khoảng 15-30 kg CO2 trên mỗi m3 gỗ được chế biến.
Trong khi đó phát thải từ sản xuất nhựa tương đối lớn vì nó thường được sản xuất từ hydrocarbon từ dầu mỏ. Mỗi cân nhựa sản xuất có thể phát thải từ 1,7 đến 3,5 kg CO2, tùy thuộc vào loại nhựa và quy trình sản xuất. Còn sản xuất bê tông phát thải khoảng 0,9 tấn CO2 cho mỗi tấn bê tông sản xuất. Điều này chủ yếu đến từ quá trình sản xuất xi măng, thành phần chính của bê tông. Hay như sắt thép cũng vậy, sản xuất thép có thể phát thải từ 1,85 đến 2,3 tấn CO2 cho mỗi tấn thép sản xuất, tùy thuộc vào quy trình sản xuất được sử dụng…
Những ví dụ này cho thấy việc sử dụng gỗ, mỹ nghệ gỗ thay cho đá, bê tông, nhựa, hoặc sắt thép trong xây dựng và sản phẩm tiêu dùng có thể giảm đáng kể lượng phát thải CO2. Tuy nhiên, để đạt được lợi ích tối đa về môi trường, gỗ cần được thu hoạch từ rừng được quản lý bền vững, đảm bảo việc thu hoạch gỗ được cân bằng với việc tái trồng rừng và bảo tồn.
Như ông có chia sẻ thì vai trò của ngành gỗ Việt trong thị trường là rất lớn, vậy chúng ta có cơ hội gì?
Nếu các doanh nghiệp gỗ hiện nay có trồng rừng, chúng ta có thể thông qua chính quyền địa phương, đăng ký cơ chế REDD+ để có cơ hội bán tín chỉ hấp thụ carbon rừng. Ngoài ra, do sản phẩm từ gỗ là sản phẩm lưu giữ carbon, mặc dù hiện nay chưa có chính sách, nhưng sau này sẽ có cơ chế chi trả tài chính carbon cho các sản phẩm gỗ.
Một điểm đáng lưu ý là ở thời điểm hiện nay, ngành gỗ chưa gặp phải áp lực là rào cản biên giới carbon khi xuất khẩu vào các nước phát triển (Ví dụ cơ chế điểu chỉnh biên giới carbon của châu Âu - CBAM) do đây là ngành phát thải âm. Hiện cơ chế CBAM chỉ áp dụng vào 6 ngành hàng gồm: sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.
Xin cảm ơn ông!
Ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc Dữ liệu FPT IS: Quy trình để tạo ra tín chỉ carbon gồm có 3 bước chính
Quy trình để tạo ra tín chỉ carbon gồm có 3 bước chính. Bước 1, đánh giá phát thải cơ sở 3 năm trước khi thực hiện dự án; bước 2, đánh giá giảm thải và ước tính tín chỉ từ năm 2; bước 3, đánh giá tính khả thi, hoàn thành đăng ký, đánh giá độc lập... Trong đó, điểm khởi đầu bắt buộc là giá trị phát thải cơ sở 3 năm trước khi thực hiện dự án.
Do đó, khi triển khai thực hiện lập dự án giảm phát thải, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tích lũy dữ liệu trong 3 năm làm cơ sở tính toán khả năng giảm phát thải; và cần lưu ý việc tính phát thải để làm cơ sở không nhất thiết phải tiến hành cho toàn bộ quy trình mà có thể tính trên một công đoạn cụ thể. Ví dụ, công đoạn dán/ép gỗ hay công đoạn xử lý rác thải từ quá trình sản xuất. Dù là thống kê công đoạn nào, nhất thiết có 3 việc tuân theo: Một là Quy trình ISO 14064-1:2018; hai là Phạm vi phát thải theo GHG protocol; ba là Chỉ số phát thải cơ bản theo IPCC
Để đánh giá chính xác lượng phát thải cũng như giảm thải, Bộ Công Thương Nhật Bản đã đưa ra khuyến nghị: Doanh nghiệp nên tiến hành áp dụng phương pháp phân tích vòng đời sản phẩm (LCA) theo tiêu chuẩn ISO 14040, 14044 và 14067.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ VinaCarbon: Doanh nghiệp gỗ cần chủ động “xanh hóa” để thu hút đầu tư từ Quỹ VinaCarbon
Để thu hút đầu tư và tận dụng nguồn vốn của các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải chủ động và tích cực trong quá trình “xanh hóa”, từ việc ban lãnh đạo cần thiết phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, thiết lập các bộ phận chuyên trách và sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận, quản lý cho phù hợp với một dự án tạo tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; tăng cường quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm và xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung quy mô lớn.
VinaCarbon được thành lập nhằm hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh khi đánh giá hoạt động của doanh nghiệp có thể tạo ra được tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính từ bên ngoài cho mục đích chuyển đổi xanh nếu cần thiết. VinaCarbon còn liên kết với đối tác là các công ty đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp trên thế giới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước về phương diện kỹ thuật, quản lý... liên quan tới trồng rừng gỗ lớn, đầu ra cho các sản phẩm gỗ và lâm nghiệp.
Chúng tôi luôn tìm kiếm các cơ hội mới trong các lĩnh vực có khả năng tạo tín chỉ carbon. Về tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực tài chính của chúng tôi sẽ đưa ra các phương án phù hợp cho từng dự án và loại hình hợp tác nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững lâu dài.