Sẽ có lộ trình tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp sơ thẩm
Trong hai ngày 26 và 27/2, TANDTC tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị lần này là tổ chức lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Nâng tầm nền tư pháp nước nhà
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới chứa đựng rất nhiều tinh thần đổi mới và tinh thần này phải được thể hiện trong Luật Tổ chức TAND.
Việc đổi mới cần thể hiện ở một góc độ nào đó, phải được coi là cuộc cách mạng. Những quy định hiện hành đang thực hiện rất tốt thì giữ lại và phát huy, nhưng những gì bất cập, chưa hợp lý phải sửa đổi và mạnh dạn bỏ những quy định có tác dụng không tốt đến lợi ích chung của xã hội.
Tuy nhiên, cần rõ ràng quan điểm tinh thần là xây dựng chính sách nâng tầm nền tư pháp nước nhà. Nếu chần chừ, hệ thống Tòa án sẽ bỏ lỡ một dịp quan trọng mà Đảng, Quốc hội dành cho để thay đổi tổ chức của ngành.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho hay, việc đổi mới thường là đi trước về nhận thức nên cần quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện cho tốt mới thực hiện được.
Về dự án Luật Tổ chức TAND 2014 (sửa đổi), Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hiết, các ý kiến phát biểu tại hội nghị Tòa án 4 cấp vừa diễn ra rất phong phú, đa dạng và phần lớn đồng tình với các vấn đề Ban cán sự đảng đã dự kiến báo cáo trước hội nghị, tới đây sẽ hoàn tất hồ sơ để trình Quốc hội.
"Những vấn đề dự thảo nêu ra hợp lý nhưng cũng cần có bước đi phù hợp. Chúng tôi sẽ tiếp thu những nội dung qua tập hợp từ thảo luận đạt được đồng thuận cao. Những nội dung đồng thuận chưa cao, dù chỉ một vài ý kiến thôi nhưng rất đáng phải suy ngẫm, cân nhắc và cần phải có bước đi thận trọng. Ví dụ, vấn đề xử phạt hành chính, tuyên bố hiệu lực của các văn bản trái pháp quy...", Chánh án nhấn mạnh.
Quy định về Thẩm phán dự bị
Liên quan đến quy định về ngạch, bậc Thẩm phán, Dự thảo dự kiến quy định thẩm phán TAND gồm Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị. Trong đó, Thẩm phán dự bị thực hiện một số nhiệm vụ của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử dưới sự giám sát của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc. Thẩm phán dự bị không được làm Chủ tọa phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Tại TANDTC có Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị; tại các Tòa án khác có Thẩm phán và Thẩm phán dự bị. Thẩm phán TANDTC có hai bậc, bậc 1 khi mới được bổ nhiệm và bậc 2 là sau 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC. Trong khi đó, Thẩm phán có 8 bậc và Thẩm phán dự bị có 1 bậc.
Quá trình thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành quy định này và đề nghị quy định rõ hơn về Thẩm phán dự bị.
Chánh án TANDTC giải thích, trong 2-3 năm đầu khi được bổ nhiệm Thẩm phán, người này không được phép làm Chủ tọa phiên tòa nhưng được ngồi trong cánh gà. Mặt khác, công việc của Thẩm phán rất nhiều, những việc như hướng dẫn hòa giải, hòa giải… sẽ do Thẩm phán dự bị thực hiện.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, quy định trên là tham khảo kinh nghiệm quốc tế, như Nhật Bản yêu cầu Thẩm phán ba năm ngồi bên trái, ba năm ngồi bên phải rồi mới được ngồi ở giữa (chủ tọa phiên tòa).
"Đây là vấn đề của thực tiễn, không phải khác biệt về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm. Quy định như vậy là thể hiện trách nhiệm với dân, đảm bảo để phiên tòa xét xử và các bản án được tuyên đúng pháp luật", Chánh án giải thích.
Tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện
Về tăng thẩm quyền cho Tòa án sơ thẩm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, qua thảo luận, tất cả ý kiến đều thống nhất cần phải sửa Luật Tổ chức TAND, dù luật đã phát huy tác dụng từ năm 2014 đến nay nhưng cũng đã bộc lộ một số hạn chế.
Trong 15 vấn đề lớn dự kiến sửa đổi, bổ sung, một số nội dung đạt được sự đồng thuận rất cao, có nội dung đồng thuận nhưng đề nghị cần lộ trình, bước đi hợp lý.
“Có nội dung đồng thuận chưa cao, dù chỉ một vài ý kiến thôi nhưng rất đáng phải suy ngẫm. Các ý kiến đã được ghi chép đầy đủ và sẽ được lắng nghe”, Chánh án cho biết.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, cần tăng thẩm quyền của Tòa án cấp huyện nhưng tăng đến mức độ nào lại không thể quy định ngay vào trong luật. Giả dụ, muốn tăng thẩm quyền của Tòa án cấp huyện được xử án hình sự có hình phạt đến chung thân, tử hình thì Tòa án các quận, huyện ở trung tâm có thể đảm nhận được ngay. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung thì không phải huyện nào cũng làm được và sẵn sàng cho việc này.
"Cho nên rất đồng tình là phải tăng thẩm quyền cho cấp huyện, cấp sơ thẩm nhưng tăng đến đâu sẽ phải có lộ trình. Lộ trình đó giao cho Chánh án TANDTC đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở rộng dần theo thời gian", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.