Sẽ có nhiều thách thức...

Một trong những mục tiêu trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9.11.2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6 - 6,5%.

Về mục tiêu tăng trưởng này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng mức 6 - 6,5% là khá cao, chỉ nên xây dựng ở mức khoảng 5 - 6%. Tuy nhiên, theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, đồng thời bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Thực tế, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% của năm 2024 sẽ gặp khá nhiều thách thức. Bởi cho dù những tháng vừa qua, nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được mức tăng trưởng ấn tượng so với "mặt bằng" chung của các nước trong khu vực và trên thế giới nhưng những khó khăn nội tại của năm 2023 vẫn chưa được giải quyết triệt để và còn có thể kéo dài sang năm 2024.

Vấn đề nữa là tình hình địa chính trị thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ vẫn giảm nhẹ. Tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn của nước ta cũng được dự báo giảm. Lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao, thậm chí có thể cao hơn năm 2023 nên điều hành chính sách tiền tệ sẽ khó khăn, đòi hỏi cần linh hoạt hơn.

Vậy nên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề. Đó là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các rào cản, khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững...

Bên cạnh đó, cần củng cố những trụ cột, động lực tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng thông qua các kịch bản chủ động ứng phó phù hợp để tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng… Có giải pháp phù hợp và hiệu quả để kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các "đầu tàu" kinh tế.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao. Phối hợp tổ chức thực thi hiệu quả các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động… Chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 có thể là cao và khi thực hiện sẽ có nhiều thách thức nhưng với những tiền đề, những điểm sáng của nền kinh tế trong những tháng vừa qua, vẫn có thể đạt được nếu các giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả các trụ cột tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, đồng thời "kích hoạt", làm mới các động lực tăng trưởng khác.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/se-co-nhieu-thach-thuc-i353471/