Sẽ giảm bớt văn bản phải xây dựng theo quy trình chính sách
Một trong những quy định nổi bật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 là bổ sung quy trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL (xây dựng, đánh giá tác động, thẩm định, thông qua chính sách) trước khi soạn thảo đối với một số loại văn bản. Nhưng thực tế triển khai còn có hạn chế, khó khăn nên Bộ Tư pháp đang tính đến thu hẹp hơn việc lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với một số văn bản.
Theo quy định của Luật năm 2015, cơ quan đề nghị xây dựng VBQPPL có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với 6 loại văn bản sau: Luật; nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ; nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.
Trong quá trình thực hiện quy định trên, nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng phạm vi các loại VBQPPL cần phải lập đề nghị theo quy định của Luật năm 2015 là quá rộng.
Nhiều nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ quy định cụ thể về biện pháp tổ chức thi hành văn bản của cấp trên, không quy định chính sách mới, nhưng vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản, làm hạn chế khả năng phản ứng nhanh của Chính phủ và chính quyền địa phương đối với những vấn đề cấp bách của xã hội.
Vì vậy, quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015, Bộ Tư pháp cho biết sẽ xác định lại cho hợp lý hơn các văn bản phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách.
Theo đó, Bộ đề xuất chỉ quy định việc lập đề nghị xây dựng đối với nghị định quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này (sửa đổi khoản 1 Điều 84). Bên cạnh đó, sửa Điều 90 để phù hợp với nội dung sửa đổi của Điều 84, đối với nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 không
phải lập đề nghị xây dựng nghị định nhưng vẫn phải đánh giá tác động của chính sách, nếu có chính sách mới; đồng thời dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015 cũng quy định theo hướng không phải đánh giá tác động đối với nghị định quy định tại khoản 1 Điều 19. Tương tự, chỉ quy định việc lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này (sửa đổi Điều 111).
Qua lấy ý kiến về dự kiến giảm các loại văn bản xây dựng theo quy trình chính sách cho thấy, đa số ý kiến nhất trí với việc hạn chế một số loại văn bản cần xây dựng theo quy trình chính sách nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đảm bảo tính kịp thời trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn như có ý kiến đề nghị trường hợp sửa đổi, bổ sung luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh mà không làm phát sinh chính sách mới hoặc chỉ sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành thì mới không phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng việc bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật năm 2015 có thể chưa hợp lý nếu các nghị định đó có chứa các chính sách, nhất là những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên. Do đó, nếu chưa quy định cụ thể được những nghị định nào không phải lập đề nghị xây dựng thì không nên quy định là tất cả các nghị định tại khoản 2 Điều 19 Luật năm 2015 đều không phải lập đề nghị xây dựng.
Có ý kiến đề nghị bỏ quy định việc lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh vì phần lớn các nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được ban hành để quy định chi tiết các vấn đề được luật giao. Vì vậy, quy định về lập đề nghị xây dựng nghị quyết làm cho quy trình ban hành nghị quyết của HĐND trở nên phức tạp và không thực sự cần thiết. Mặt khác, quy định của Luật năm 2015 về trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết tương đối chặt chẽ nên không cần thiết phải có quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản.
Liên quan đến vấn đề trên, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Luật) đề nghị giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật vì việc không yêu cầu lập đề nghị xây dựng văn bản theo quy trình chính sách đối với các nghị định quy định tại khoản 3 Điều 19 và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 là phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương nhưng không làm giảm chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật.
Riêng với khoản 2 Điều 19 Luật năm 2015, khi rà soát kỹ nội dung của khoản này thì Vụ thấy rằng, đây là những nghị định chủ yếu quy định các biện pháp để thực hiện các chính sách đã có trong luật, pháp lệnh. Do vậy, dự thảo Luật không yêu cầu lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật năm 2015.