Sẽ không còn quy định học sinh phải viết đơn xin học thêm?

Theo quy định về dạy thêm, học thêm hiện hành, trước hết học sinh, phụ huynh phải viết đơn tự nguyện xin học thêm rồi nhà trường mới xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm. Nhưng dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm lần này lại yêu cầu ngược lại, tức đề xuất từ tổ chuyên môn, nhà trường.

Lý giải về sự thay đổi này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT muốn tránh chuyện hình thức, vì có quy định phải viết đơn nên lại nảy sinh hiện tượng ép học sinh tự nguyện viết đơn. Do vậy phải có quy định rõ ràng mọi thông tin về dạy thêm, học thêm, học sinh và phụ huynh mới có căn cứ để đăng ký dựa trên nhu cầu và mong muốn của từng học sinh.

Nhà giáo (bao gồm cả hiệu phó) trường công lập khi dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo rõ hiệu trưởng để lưu hồ sơ. Nếu trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

"Như vậy, không cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình khi học sinh và phụ huynh thực sự có nhu cầu, tuyệt đối không được ép buộc". Ông Thành khẳng định.

Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh

Về cơ chế để kiểm soát việc giáo viên, nhà trường không ép buộc học sinh học thêm, PGS.TS Thành cho biết, vấn đề là minh bạch thông tin và dự thảo đã đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Khi xây dựng dự thảo này, điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng thêm vào nguyên tắc: “Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh” tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay: học sinh nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại.

Hơn nữa, giám sát việc dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành GD-ĐT hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.

Trên thực tế dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là một hoạt động kinh doanh, do đó đã tổ chức thì phải đăng ký kinh doanh

Khi được hỏi việc sửa quy định về dạy thêm, học thêm trong bối cảnh dạy thêm vẫn chưa được công nhận là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì liệu có gỡ được những vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải lớn nhất về quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện nay? PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, trên thực tế dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là một hoạt động kinh doanh, do đó đã tổ chức thì phải đăng ký kinh doanh, kể cả là hộ kinh doanh cá thể.

Với Bộ GD&ĐT yêu cầu quan trọng nhất là phải công khai trước khi tổ chức. Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Bộ GD&ĐT ban hành những nguyên tắc như vậy và địa phương quản lý phải căn cứ vào đó.

"Làm sao để giải quyết được tận gốc vấn đề gây bức xúc như tôi nói ở trên, đó là giáo viên ép học sinh của mình học thêm dù học sinh không muốn. Đây mới là vấn đề mà ngành GD-ĐT muốn chấn chỉnh nhất". PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/se-khong-con-quy-dinh-hoc-sinh-phai-viet-don-xin-hoc-them-119240826104644403.htm