Sẽ mất nhiều năm để tái thiết sau thảm họa động đất
Thảm họa động đất hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người, đẩy hàng trăm nghìn người khác vào cảnh mất nhà cửa, phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà, nhiều công trình lịch sử. Các chuyên gia cho rằng, rất khó để xác định rõ ràng chi phí thiệt hại do thảm họa này gây ra cũng như phải mất nhiều năm để tái thiết bởi kinh tế thế giới đang trong thời điểm khủng hoảng.
Các chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, hiện nay, rất khó để xác định rõ thiệt hại vật chất do trận động đất gây ra nhất là khi chưa có cuộc khảo sát toàn diện. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại lên tới hàng chục tỉ USD. Từ đó, liên quan đến tái thiết càng khó ước tính hơn bởi sự suy giảm hoạt động kinh tế do hậu quả của thảm họa này, vì có những công ty và nhà máy sẽ phải đóng cửa và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Theo các chuyên gia, tái thiết sẽ tiêu tốn hàng chục hoặc hàng trăm tỷ USD, vì ảnh hưởng của trận động đất lan rộng trên một khu vực 300km chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, điều này cũng phụ thuộc vào các khoản đầu tư nước ngoài, bởi vì nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria nói riêng không có khả năng tài chính để tái thiết. Hơn nữa, thảm họa xảy ra vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế, trong khi Syria đang nghèo đói, chiến tranh tàn phá mà còn chịu sự trừng phạt của quốc tế. Vì vậy, việc tái thiết sẽ không bao giờ dễ dàng, đặc biệt là trong điều kiện chính trị trong nước.
Cũng theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cắt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế vì động đất và chính phủ sẽ phải thực hiện các nỗ lực tái thiết quy mô lớn trước cuộc bầu cử quan trọng vào giữa tháng 5 tới. Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm đã phải hứng chịu tỷ lệ lạm phát cao và sự sụp đổ của đồng tiền do việc áp dụng các chính sách kinh tế phi truyền thống của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Lời kêu gọi hạ lãi suất của ông đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 24 năm qua là 85% vào năm ngoái và đồng Lira đã giảm 10% giá trị so với đồng USD trong thập niên qua. Trận động đất xảy ra vào thời điểm các chính sách của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên sản xuất, xuất khẩu và đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặc dù lạm phát lên tới hơn 57% vào tháng Giêng vừa qua.
Có ý kiến cho rằng phản ứng nhân đạo quốc tế sẽ xoa dịu mối quan hệ ngoại giao vốn căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia ở Trung Đông, Địa Trung Hải và NATO. Chỉ vài giờ sau trận động đất kinh hoàng, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã gác lại mối quan hệ cá nhân căng thẳng với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan, ngay lập tức đề nghị hỗ trợ nước này đối phó với thảm họa trong cuộc đối thoại đầu tiên của hai nhà lãnh đạo sau nhiều tháng. Và chỉ 6 tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao suốt một thập niên rạn nứt, hôm 7/2, các tình nguyện viên Israel là một trong những lực lượng đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Gaziantep.
Chưa hết, sau khi trải qua cuộc xung đột ngoại giao cùng các cuộc chiến tranh ủy nhiệm gay gắt với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông và Bắc Phi, cho đến khi xích lại gần nhau vào năm 2020, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đã mở ngân phiếu, phát động chiến dịch viện trợ, thiết lập cầu hàng không để đảm bảo nguồn cung hàng hóa tới các khu vực gặp thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria.
Ông Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành của Gulf State Analytics, công ty phân tích rủi ro chính trị ở Washington, cho rằng dù khi cả thế giới đang dõi theo, cầu nguyện cho hàng nghìn nạn nhân của trận động đất, các chính phủ thường sẽ không để cảm xúc chi phối quyết định chính sách đối ngoại. Thay vào đó, ông nhấn mạnh lợi ích quốc gia vẫn chính là nguyên nhân thúc đẩy những phản ứng của những quốc gia này đối với trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông giải thích: “Một số quốc gia trên thế giới đang nhìn thấy cơ hội để đạt được lợi ích lớn hơn từ Ankara, bằng những biện pháp có thể mang lại tín hiệu tích cực cho các chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của họ đối với Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong đó, phản ứng nhanh chóng và cam kết chắc chắn của Thụy Điển trong việc giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với thảm họa này rất khó giải thích, nếu không tính đến căng thẳng đã hình thành giữa Ankara và Stockholm trong suốt năm 2022 – 2023. Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Ankara và Stockholm đang mâu thuẫn về chính sách lâu dài của Thụy Điển trong việc cấp quyền tị nạn chính trị cho người Kurd, giúp họ thoát khỏi các cuộc truy quét quân nổi dậy ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ - tâm chấn của trận động đất.
Các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực “ngoại giao sau thảm họa” có thể nhanh chóng xoa dịu lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Thụy Điển tham gia các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ. Ông Rich Outzen, nhà tư vấn địa chính trị, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Những thông điệp đồng cảm, hỗ trợ từ khắp khu vực nhắc nhở chúng ta rằng những bi kịch cũng có thể tạo ra tinh thần đoàn kết trong thời kỳ khủng hoảng”. Theo ông, một số mối quan hệ căng thẳng trong khu vực có thể dịu đi sau thời kỳ khủng hoảng và trong quá trình phục hồi.
Trong khi đó, nhà phân tích Carice Witte tại Tel Aviv cho biết phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ của khu vực đối với thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy “sự phát triển đáng chú ý trong quá trình bình thường hóa khu vực Trung Đông”, tương tự như những gì đã xảy ra khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng rất khó để dự đoán trận động đất sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad như thế nào. “Mối quan hệ của Ankara và Damascus đã dần tan băng khi cả hai tiến tới một mối quan hệ thận trọng. Việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cho các nạn nhân Syria có thể là yếu tố thúc đẩy quá trình này”, nhà phân tích rủi ro chính trị Cafiero cho biết. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn nhiều “biến số phức tạp khác trong phương trình” này.
Trong khi đó, quyền kiểm soát quân sự đối với các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở miền Bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ đang bị chia rẽ bởi các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn mà Ankara coi là khủng bố, và chính quyền Assad do lực lượng Nga và Iran hậu thuẫn.
Ông Marc Pierini, cựu Đại sứ EU tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định: “Trận động đất xảy ra ở một khu vực vốn đang xảy ra xung đột quân sự, về bản chất, sẽ càng khó đối phó hơn”. Theo ông, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ các nạn nhân trong trận động đất ở Syria, các tay súng “phải tuân thủ lệnh ngừng bắn ngay lập tức và cần thực hiện lệnh ngừng bắn cho đến khi hoàn tất các hoạt động cứu hộ”. Trong bài báo xuất bản hôm 7/2 của Trung tâm Trung Đông Carnegie, ông Marc Pierini kêu gọi các hoạt động nhân đạo xuyên biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria, dưới sự chấp thuận của Liên hợp quốc, nên được tăng cường đáng kể.