Sẽ nâng giới hạn tốc độ tối đa trên một số tuyến đường cao tốc
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã cho nghiên cứu và thấy rằng các tuyến quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ. Bộ đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.
Chiều 6/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho biết, hiện nay quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm. Trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề này. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Kỳ họp này, đại biểu đã nêu vấn đề tại sao nhiều tuyến đường cao tốc hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80km/giờ, như vậy là chưa giảm thiểu tối ưu vận tải và thời gian lưu thông.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới có điều chỉnh gì đối với tốc độ ở đường cao tốc nói chung và mục tiêu là giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.
Trả lời đại biểu Trần Quang Minh về tuyến đường cao tốc chỉ cho chạy tối đa 80km, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120km/giờ, 100km/giờ, 80km/giờ và 60km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch, có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long – Móng Cái, Hà Nội – Hải Phòng.
Từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80km/giờ có thể nâng lên 90km/giờ. Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Gia Lai) nêu rõ, 2/3 tổng vốn đầu tư công của giai đoạn dành cho giao thông vận tải, nhưng các dự án giao thông vận tải ở tất cả các nhóm cũng như các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Như vậy cho thấy, công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư là không chính xác.
Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn; các dự án đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng có cho rằng phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kì trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỉ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Về cơ bản các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít.
Tuy nhiên có 03 dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao là dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án đường cao tốc Mĩ An – Cao Lãnh, dự án đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Nguyên nhân là trong thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng thời gian dịch 2020-2021 dẫn đến khảo sát chưa được triệt để, ngoài ra nguyên nhân đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện nghiêm túc xem xét trách nhiệm; chỉ đạo các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm, xử phạt nhà thầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn.