Sẽ phá dỡ cầu Đuống cũ hơn 100 tuổi khi xây xong cầu mới
Trước việc cầu Đuống mới đang được thi công và có tiến độ hoàn thành giai đoạn 2025 - 2026, cho ý kiến về tương lai cầu Đuống cũ, đại diện Bộ Xây dựng vừa cho biết, không bảo tồn mà sẽ dỡ bỏ cầu Đuống cũ khi cầu mới xây xong.

Cầu Đuống được xây dựng năm 1902 đây là cây cầu huyết mạch nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm (Hà Nội). Sau hơn 100 năm đưa vào hoạt động, mặc dù được tu bổ thường xuyên tuy nhiên, lưu lượng phương tiện lưu thông lớn khiến cây cầu xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu đang có chức năng khai thác cả đường bộ và đường sắt, riêng đường bộ lưu lượng xe vượt năng lực mặt cầu cả chục lần, dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Do tuổi thọ lâu đời và lưu lượng xe qua lại lớn dẫn đến mặt cầu nhiều vị trí hư hỏng, thủng lớn, đơn vị quản lý phải dùng các tấm thép đậy lại để đảm bảo giao thông.

Ngoài ra các trụ cầu ở dưới sông cũng bị sóng nước đánh bào mòn, trơ cả lõi thép.

Trụ cầu chính vượt sông phần bê tông vỏ móng gần như đã bị bào mòn, chỉ còn trơ lại bản lưới thép.

Cùng với đó độ tĩnh không cầu (khoảng sáng thông thuyền) của cầu hạn chế, nên gây khó khăn cho giao thông thủy trên sông Đuống, nhiều tàu thuyền to không thể di chuyển, chui qua cầu Đuống.

Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng (trước đó là Bộ GTVT) đã bố trí hơn 1.800 tỷ ngân sách xây công trình cầu Đuống mới (mũi tên).

Cầu Đuống đường bộ mới nằm cách cầu cũ hơn 100 mét về phía hạ lưu.

Đối với cầu Đuống cũ sau khi cầu Đuống mới hoàn thành (theo tiến độ là 2025 - 2026), trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Xây dựng vừa cho biết, tuy có lịch sử hơn 100 năm và trải qua các sự kiện, biến cố quan trọng của đất nước nhưng do cầu đã xuống cấp, đặc biệt là khoảng thông thuyền bên dưới hạn chế, thuyền trọng tải lớn không thể chui qua nên Bộ Xây dựng đã thống nhất với các cơ quan có trách nhiệm là phá dỡ khi cầu Đuống mới được xây dựng xong.