Sẽ sửa đổi quy trình bổ nhiệm, thăng hạng xét nâng ngạch công chức

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ngày 7-11, việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức; yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; hay tình trạng tham nhũng 'vặt' là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn.

Phiền hà trong xét tuyển nâng ngạch công chức, viên chức

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nhận định, hiện việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập. Ngoài ra, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian học rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất. Đồng thời, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Từ đó, đại biểu Phúc băn khoăn liệu mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch có gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết giải pháp khắc phục tính hình thức này, liệu có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không.

Ở góc độ liên quan, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) băn khoăn, có tình trạng đối với một số vị trí việc làm không cần sử dụng văn bằng, chứng chỉ nhưng vẫn còn yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ. Việc quy định chung này dẫn đến hiện nay mỗi địa phương, mỗi nơi lại có cách làm khác nhau, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, qua dư luận báo chí, phản ánh của đồng bào cử tri cả nước, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, việc thi xét tuyển, xem xét nâng ngạch công chức, viên chức hiện nay đúng là "rất phiền hà trong vấn đề văn bằng, chứng chỉ".

Không chỉ riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng quy trình bổ nhiệm hiện nay cũng yêu cầu 7 bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề này không phải Bộ Nội vụ tự đặt ra.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng lý giải, đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm, từ những năm 90 của thế kỷ trước và như thế cần phải sửa. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thay mặt Bộ Nội vụ thẳng thắn nhận khuyết điểm này: "Chúng tôi cam kết trước Quốc hội rằng, năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào nữa", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.

Riêng vấn đề tin học, ngoại ngữ, người đứng đầu ngành Nội vụ làm rõ: "Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng cấp bằng ngoại ngữ là như nhau, chỉ là từng vị trí phải có chứng chỉ, văn bằng, bằng cấp khác nhau".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới các quy định này sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng phù hợp hơn, đặc biệt nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cần quy định tiêu chuẩn cho từng chức danh cụ thể: “Chúng tôi kiến nghị từ cấp Vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong môi trường quốc tế”. Bộ trưởng dẫn chứng: "Anh đi hội thảo quốc tế nhiều, anh tổ chức các hội nghị, anh nghe-nói tiếng Anh mà bắt dẫn theo phiên dịch?".

Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề ngoại ngữ mà đại biểu Nguyễn Thị Phúc nêu. "Bây giờ có thể Bộ trưởng cũng nghiên cứu thêm đối với những vùng, những địa phương đông đồng bào dân tộc thiểu số, người cán bộ, công chức, viên chức ở đó rất thông thạo "nội ngữ", tức là tiếng dân tộc thì chúng ta có nhất định quy định có thêm ngoại ngữ hay không? Việc này cũng rất nhiều người phản ánh, chúng ta cần phải nghiên cứu trong các tiêu chuẩn, tức là biết "nội ngữ", tiếng Việt và tiếng dân tộc. Ví dụ biết nhiều tiếng dân tộc nhưng chúng ta không tính là đủ tiêu chuẩn cán bộ, việc đó cũng cần suy nghĩ", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Kiên quyết xử lý tham nhũng "vặt"

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) về tình trạng tham nhũng vặt, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức ở nhiều nơi, gây bức xúc trong cử tri và xã hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, đó là một lỗ hổng mà nếu không bịt kịp thì từ một lỗ hổng nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn, dễ đắm thuyền, rất nguy hiểm. Tham nhũng vặt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm tổ trưởng tổ kiểm tra công vụ đi xuống các địa phương và đây là một trong 5 nội dung kiểm tra của tổ công tác.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Đề án Văn hóa công vụ, phát động xây dựng văn hóa công sở theo hướng "làm sao để cán bộ, công chức thực sự là công bộc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao”.

Bộ trưởng nêu thực tế, có các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có khi làm đến 12 giờ đêm không nghỉ. Bộ Nội vụ có những ngày làm đến đêm đèn vẫn sáng, các cơ quan khác cũng vậy....

“Nhưng người làm việc tốt như thế không nhiều đâu. Vì vậy chế độ lương, thưởng và vị trí việc làm cần phải tính lại. Người nỗ lực phải hưởng mức lương tương xứng chứ không cào bằng như hiện nay”, Bộ trưởng bày tỏ và nhấn mạnh, tinh thần xử lý tham nhũng vặt là phải xử lý kiên quyết.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/se-sua-doi-quy-trinh-bo-nhiem-thang-hang-xet-nang-ngach-cong-chuc-599337