Sẽ sửa Luật Bảo hiểm y tế, tiến tới khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn - Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia - cho biết, ngành y tế đang định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), để cụ thể một số nội dung tiến tới khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: tienphong.vn
Chuyển đổi hệ thống y tế từ chăm sóc bệnh sang bảo vệ sức khỏe
Tại Hội thảo “Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị” do Báo Tiền Phong và Bộ Y tế đồng tổ chức ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, một trong những định hướng mang tính đột phá đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh gần đây, đó là: “Phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân”.
Đây là những mục tiêu cụ thể, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ ta và quyết tâm chính trị trong xây dựng một hệ thống y tế phục vụ nhân dân. Vì vậy, ngành y tế xác định lộ trình 2026-2030 và 2031-2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn này.
“Đây là hành trình dài hơi, cần bước đi vững chắc, nhưng cũng là cơ hội lớn để chúng ta chuyển đổi hệ thống y tế từ chăm sóc bệnh sang bảo vệ sức khỏe, từ bị động sang chủ động, đồng thời nâng cao thực chất quyền lợi người bệnh” – Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thông tin, đến hết năm 2023, Quỹ BHYT kết dư 40.000 tỷ đồng, năm nay Quỹ BHYT kết dư dự kiến tăng thêm. Hiện tại, ngành Y tế đang định hướng sửa đổi Luật BHYT, để cụ thể một số nội dung tiến tới khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Dự kiến thời gian tới, nước ta sẽ sửa toàn bộ Luật BHYT, trong đó có nhiều nội dung tập trung khám, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là khám chữa bệnh để sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay, hiện Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, như triển khai các mục tiêu về chất lượng điều trị. Mặc dù đã có những cải thiện, nhưng Quỹ BHYT vẫn còn hạn hẹp so với nhu cầu của người bệnh. Vì vậy, việc cân bằng giữa bảo đảm quyền lợi của người bệnh và duy trì chất lượng chuyên môn điều trị vẫn là thách thức lớn.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1227 về việc triển khai danh mục dùng chung cho các dịch vụ cận lâm sàng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Bên cạnh việc hạn chế chỉ định không cần thiết, Bộ Y tế cũng đang xây dựng chính sách nhằm hài hòa giữa bảo đảm quyền lợi của người bệnh và duy trì chất lượng chuyên môn điều trị.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách khác như liên thông dữ liệu lâm sàng, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo vệ quyền lợi của người bệnh.
Tái cơ cấu mức đóng linh hoạt theo nhóm đối tượng
Ông Hoàng Trung Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 94,2% dân số. Đây là một con số đáng ghi nhận cho thấy nỗ lực bền bỉ của hệ thống chính sách và các địa phương trong việc mở rộng mạng lưới an sinh.
Về mức đóng, người lao động, hưu trí, người hưởng trợ cấp… đều đóng 4,5% tiền lương hoặc lương hưu, hoặc mức lương cơ sở. Các nhóm yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng.
Đáng chú ý, đến cuối năm 2023, Quỹ BHYT vẫn cân đối và có kết dư, là nền tảng quan trọng để mở rộng quyền lợi trong các năm tới.
Hiện nay, chính sách BHYT phân chia thành 5 nhóm đối tượng chính theo trách nhiệm đóng phí: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng (cán bộ, công chức, người làm công ăn lương…); Nhóm do tổ chức BHXH đóng (người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH dài hạn); Nhóm do ngân sách nhà nước đóng (trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công, người DTTS…); Nhóm do ngân sách hỗ trợ một phần (hộ cận nghèo, học sinh - sinh viên, người lao động tự do…); Nhóm tham gia theo hộ gia đình (người không thuộc 4 nhóm trên, đóng tự nguyện theo hộ).
Mô hình này tạo điều kiện phổ cập BHYT toàn dân, đồng thời bảo đảm chia sẻ rủi ro và trách nhiệm tài chính giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp – ông Tuấn cho hay.
Về phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, người tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú tại các cơ sở y tế công lập và một số cơ sở tư nhân có ký hợp đồng với BHYT. Quỹ BHYT chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí tùy theo.
Phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT không ngừng được mở rộng theo hướng bao phủ các loại thuốc, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật và hình thức điều trị hiện đại, đồng thời ưu tiên người nghèo, người dân tộc, và các đối tượng dễ tổn thương khác.
Theo ông Tuấn, với mức đóng 4,5% thu nhập, BHYT Việt Nam hiện nay vẫn duy trì được trạng thái tài chính cân đối. Tuy nhiên, khi mở rộng quyền lợi, tăng mức hưởng, điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng “tính đúng, tính đủ”, chúng ta sẽ phải nhiên cứu sửa đổi Luật BHYT, tái cơ cấu mức đóng linh hoạt theo nhóm đối tượng, bảo đảm khả năng chi trả của người dân và ngân sách nhà nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận một vấn đề về khả năng, các bước triển khai về chi trả BHYT; hệ thống chính sách và quyền lợi của người tham gia BHYT; nhu cầu phát triển y tế công nghệ cao, chi phí và thực tế thanh toán BHYT; vai trò và những thách thức trong việc áp dụng công nghệ cao trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm hướng tới mục tiêu quyền lợi người dân trong tiếp cận chẩn đoán và điều trị chất lượng cao…