Sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí...

Mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt, so với 21 nghìn người làm báo có thẻ phóng viên và gần 45 nghìn người làm báo, đây là chỉ những 'con sâu làm rầu nồi canh'...

Đặt câu chỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi, qua đó, đảm bảo hoạt động báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích để tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) chất vấn

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) chất vấn

Liên quan đến chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt, so với 21 nghìn người làm báo có thẻ phóng viên và gần 45 nghìn người làm báo, Bộ trưởng cho rằng, đây là chỉ những “con sâu làm rầu nồi canh”, 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các Bộ, xã hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.

Về cách để xử lý vấn đề tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên Bộ TTTT công bố tiêu chí để nhận dạng “thế nào là báo hóa tạp chí” và đăng công khai trên các trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát, sẽ dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không?

Đồng thời, cần công khai tôn chỉ, mục đích của trên 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích, “nếu không đúng thì có quyền từ chối, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo”. Bộ TTTT sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

Vừa qua, Bộ TTTT đã có quy định mới, trong đó sẽ xử lý trực tiếp Tổng biên tập và phóng viên nếu có vi phạm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các ĐBQH quan tâm đến việc sửa đổi Luật Báo chí trong thời gian tới, nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng phóng viên báo chí…

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho biết, hiện nay tình trạng quảng cáo trực tuyến thường dựa vào những dữ liệu người dùng, đôi khi vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập vào các trang web.

Đại biểu yêu cầu, Bộ trưởng Bộ TTTT làm rõ các giải pháp để chủ động phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nêu trên?

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc phổ biến Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, trách nhiệm của người thu thập thông tin bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định của pháp luật… là câu chuyện lớn. Bộ Thông tin và Truyền thông coi măm 2023, 2024 là trọng điểm, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị dễ để xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân. Bộ đã công bố những sai sót của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/se-thanh-tra-kiem-tra-giam-sat-nhieu-hon-cac-tap-chi-post595247.antd