Se thắt một niềm lo

Anh gặp chị khi tuổi đã xế chiều, trên đầu tóc màu trắng nhiều hơn tóc màu đen, khi đã trải qua đổ vỡ hai lần. Chị cũng từng qua một lần đò. 'Rổ rá cạp lại', thiên hạ người ta nói thế. Ở quê, ra ngõ chạm mặt, lời gièm pha xát muối vào mặt, vào gan ruột người ta. Anh động viên chị thôi bỏ đi, ai nói gì mặc kệ, cuộc đời là của mình, mình sống cho mình chứ quan tâm chi thiên hạ nói gì.

Anh sửa lại mái nhà dột, chặt bớt mấy cái cây rậm rạp trong vườn, đóng lại chuồng gà con đã mục… Có đàn ông trong nhà công việc nặng nhọc được san sẻ bớt. Chị như cái cây đương héo hồi sinh lại sau cơn mưa rào. Chị cười nhiều hơn, tươi trẻ hơn. Trong căn nhà nhỏ có những mảng vách còn lộ gạch chưa tô hết, bên mâm cơm chiều chỉ có dĩa rau muống luộc, dĩa trứng chiên nho nhỏ, hai con người đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời vui vẻ nói cười bên nhau.

Ảnh minh họa.

Chị hài lòng khi cuộc đời có anh. Anh không giàu có, ngược lại rất nghèo là đằng khác, chỉ có hai bàn tay trắng. Anh không đẹp trai, tuổi chẳng còn trẻ. Anh chẳng có cái nghề nào ngoài công việc cộng tác viết bài cho báo, tháng dăm ba triệu đồng là nhiều. Anh chỉ có một tấm lòng luôn yêu thương chị, thương những con người khốn khó hơn mình. Tuy nghèo nhưng gặp ai khó khăn hơn anh cũng giúp đỡ. Anh luôn tâm niệm “lá lành đùm lá rách”, lá rách đùm lá rách hơn, mình nghèo nhưng còn hơn nhiều người khác, đừng ích kỷ chỉ khư khư lo cho thân mình. Cũng bởi tính đó mà dần dần nhiều người trong xóm có thiện cảm với anh, hay qua uống nước trà mỗi sáng, nhờ viết giùm lá đơn, nhờ chỉ giúp bài tập cho con. Thấy anh nhiệt tình giúp đỡ người khác, chị chẳng bực mà còn vui vì một người có tấm lòng thương người ắt hẳn sẽ rất yêu thương gia đình mình.

Chị bắt đầu mơ có một thiên thần bé nhỏ trong nhà, mơ được một lần làm mẹ. Nhưng tuổi chị và anh cũng đã lớn, liệu rằng ước mơ ấy có thành hiện thực được hay không. Thời giờ vô sinh nhiều vô kể, con gái mới lớn lấy chồng về còn bị vô sinh huống gì chị, một bà cô đã qua tuổi trung niên. Kinh tế chẳng dư dả thì làm sao mà tìm đến phương pháp thụ tinh nhân tạo được. Thôi thì tất cả nhờ vào ông trời, nếu có duyên thì trời sẽ cho có con. Chị năng đi chùa hơn, cầu Phật cho mình một đứa con. Thiên hạ lại gièm pha: “Cây độc không trái, gái độc không con”, ngữ đó sao có con được. Nhiều đêm chị khóc thầm. Anh chỉ biết ôm chị an ủi đừng bao giờ tự mình dồn mình vào chân tường, tất cả mọi sự trên đời này đều do hai chữ “hữu duyên”, nếu hai chúng ta có duyên có số ắt trời sẽ cho một đứa con thôi, hay mai em thử ra vườn ướm chân vào vũng nước xem sao, có khi lại có bầu không chừng. Chị cười ngặt nghẽo trước câu nói đùa của anh, nỗi buồn tự dưng tan biến.

Rồi chị có thai thật. Nhìn bà cô bốn mươi tuổi mang cái ba lô ngược lặc lè chờ ngày sinh, thiên hạ xì xầm với nhau tuổi ấy rồi còn sinh với đẻ, ra đứa con dị dạng, bị down nữa thì thêm khổ. Thiệt tình nhiều khi chị cũng thầm lo lắng cho đứa con chưa sinh ra vì chị đã bốn mươi, anh đã sáu mươi, con liệu có được bình thường như những đứa trẻ khác. Dẫu lo nhưng chị vẫn quyết tâm sinh đứa con này ra, vì nó là kết tinh tình yêu của anh và chị.

Con bé sinh ra đẹp như thiên thần. Chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhìn anh ẵm con, nựng nịu con mà chị cười thầm sao giống ông cháu quá chừng. Con quấn anh như sam, nó chẳng thèm đòi mẹ, lúc nào cũng đòi ba ẵm. Chị giao anh trông con còn mình tất tả ngược xuôi lo kinh tế. Từ khi có con chị mới thấu hiểu được tình mẫu tử thiêng liêng ra sao, có thể hy sinh tất cả vì con.

Ngôi nhà nhỏ giờ đây lúc nào cũng vang tiếng trẻ con ca hát. Từ ngày con bé đi mẫu giáo nó đọc thơ, ca hát cả ngày. Cái miệng nó líu lo khiến chị vui vẻ suốt. Có điều sức khỏe anh ngày một yếu đi. Sau cơn tai biến anh gầy xọp. May mà phát hiện kịp thời đưa đến bệnh viện không thì chẳng biết ra sao. Một tay chị vừa chăm con vừa chăm chồng. Cực khổ chị vẫn chịu đựng được chỉ lo rằng con chưa kịp lớn mà hai vợ chồng xảy ra chuyện gì thì thương con bơ vơ. Mỗi lần nhìn nụ cười ngây thơ của con, tim chị thắt lại một niềm lo…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/se-that-mot-niem-lo-110872.html