Sẽ thay đổi cách tính định mức giáo viên đứng lớp trong thời gian tới
Hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo của địa phương để đề xuất bổ sung biên chế giáo viên đến năm 2026.
Hiện nhiều giáo viên phản ánh việc tại các trường liên cấp nhiều giáo viên phải dạy cả hai cấp học khác nhau. Trong khi đó, mỗi cấp học lại có định mức tiết dạy khác nhau. Vì thế các thầy cô đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể định mức tiết dạy để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên dạy liên cấp.
Trước ý kiến này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong thời gian qua, các địa phương đã và đang thực hiện việc đổi mới, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục các cấp, trong đó có việc sắp xếp các trường phổ thông quy mô nhỏ trên cùng địa bàn thành trường phổ thông liên cấp.
Trong quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, địa phương gặp khó khăn trong việc xác định chế độ làm việc của giáo viên giảng dạy, giáo dục trong các trường phổ thông liên cấp do các quy định hiện hành chưa cụ thể đối với trường hợp này.
Nắm bắt được khó khăn của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo định hướng đổi mới cơ chế quản lý nhân sự trong các cơ sở giáo dục phổ thông để làm căn cứ cho định hướng điều chỉnh quy định về chế độ làm việc của giáo viên các cấp (trong đó có quy định về chế độ làm việc của giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông liên cấp).
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá ảnh hưởng, tác động của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến chế độ làm việc và hoạt động nghề nghiệp của giáo viên để làm căn cứ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp từng loại hình trường phổ thông.
Cũng liên quan đến định mức tiết dạy, giáo viên nhiều thầy cô phản ánh khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường Tiểu học/THCS dạy 2 buổi/ngày, số tiết học tăng so với Chương trình trước đây; ngoài ra, có một số môn học mới bắt buộc như: Ngoại ngữ, Tin học.
Tuy nhiên, định mức giáo viên/lớp theo quy định hiện nay (kể cả đã thực hiện tối đa) thì vẫn chưa phù hợp.
Trước vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đã có nhiều thay đổi với yêu cầu cao hơn để phù hợp với xu thế phát triển, đòi hỏi giáo viên thường xuyên cập nhật chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên phải sáng tạo hơn, vai trò của giáo viên chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh để phát triển phẩm chất, năng lực của người học và có một số môn học mới, bắt buộc.
Triển khai thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với điều kiện các vùng miền và chương trình giáo dục phổ thông 2018 (thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT).
Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành trong năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo của địa phương để đề xuất bổ sung biên chế giáo viên đến năm 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp, đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.