Sẽ thế nào nếu Ấn Độ và Pakistan không xuống thang?

Giới quan sát lo ngại rằng nếu căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang đến mức không kiểm soát được và thành chiến tranh diện rộng thì sẽ tác động tiêu cực đến nhiều nơi trên thế giới và ở nhiều lĩnh vực.

Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan leo thang nguy hiểm kể từ vụ tấn công vào khách du lịch tại Pahalgam (thuộc vùng Kashmir bên phía Ấn Độ kiểm soát) vào tháng trước khiến 26 người thiệt mạng.

Bối cảnh lịch sử xung đột Ấn Độ-Pakistan

Kể từ khi giành độc lập khỏi Anh vào năm 1947, Ấn Độ với đa số dân theo đạo Hindu và Pakistan với đa số dân theo đạo Hồi đã tranh chấp khu vực Kashmir, cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng lãnh thổ này.

Cuộc chiến đầu tiên diễn ra vào năm 1947, và cuộc chiến thứ hai vào năm 1965. Trong những thập niên tiếp theo, ít nhất 3 cuộc chiến và nhiều vụ đụng độ vũ trang đã xảy ra.

 Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan nếu leo thang thành xung đột toàn diện sẽ gây tác động tiêu cực tới nhiều nơi trên thế giới. Ảnh minh họa: ARMAN

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan nếu leo thang thành xung đột toàn diện sẽ gây tác động tiêu cực tới nhiều nơi trên thế giới. Ảnh minh họa: ARMAN

Hiện tại, Kashmir do Ấn Độ và Pakistan quản lý được chia cắt bởi Đường Kiểm soát (LOC), đóng vai trò như một đường biên giới trên thực tế. Ấn Độ quản lý Thung lũng Kashmir, Jammu và Ladakh, trong khi Pakistan kiểm soát Azad Kashmir, Gilgit và Baltistan.

Nguy cơ chiến tranh toàn diện?

Kể từ cuộc tấn công vào tháng trước, hai quốc gia đã có những động thái ngoại giao đối đầu, theo kênh Channel News Asia.

Ấn Độ đã đình chỉ Hiệp định Nước Indus - một thỏa thuận đã tồn tại hàng thập niên về việc phân chia nguồn nước của sông Indus - và đóng cửa các cửa khẩu biên giới với Pakistan.

Trong khi đó, Pakistan đã đe dọa rút khỏi Hiệp định Simla - hiệp ước hòa bình được ký kết vào năm 1972 thiết lập Đường Kiểm soát nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Hai nước láng giềng Nam Á này cũng đã hủy visa đối với công dân của nhau và đóng cửa không phận.

Trên thực địa, ngày 7-5, Ấn Độ tấn công bằng tên lửa vào 9 địa điểm tại Pakistan và khu vực Kashmir nằm ở phía Pakistan kiểm soát. Phía Islamabad cho biết cuộc tấn công của Ấn Độ đã khiến ít nhất 31 người chết và hàng chục người bị thương, dù New Delhi nói rằng chỉ nhắm vào hang ổ khủng bố và không ghi nhận thương vong dân sự.

Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan leo thang thêm khi New Delhi ngày 8-5 cáo buộc Islamabad phóng tên lửa và triển khai máy bay không người lái (UAV) tấn công các địa điểm quân sự ở Ấn Độ và vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

Đà leo thang trả đũa này khiến giới quan sát lo ngại nguy cơ giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện mới. Song cũng có ý kiến tin tưởng sự kiềm chế của hai bên.

Viết trên tờ The Conversation, GS quan hệ quốc tế Ian Hall từ ĐH Griffith (Úc) cho rằng rõ ràng cả hai bên đang gần hơn bao giờ hết với nguy cơ xảy ra cuộc xung đột lớn. "Hy vọng là sẽ có một hành động quân sự hạn chế, kéo dài vài ngày, và sau đó mọi thứ sẽ dịu xuống nhanh chóng như đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng không có gì đảm bảo" - ông Hall nói.

GS Iqbal Singh Sevea từ ĐH Quốc gia Singapore (NUS) thì nhận định rằng hiện tại chưa có dấu hiệu của một cuộc chiến sắp xảy ra. Ông Sevea cho rằng cả hai quốc gia đều lo ngại bị kéo vào một cuộc xung đột toàn diện, lưu ý thêm rằng Ấn Độ đã cố tình định hình các cuộc tấn công của mình là những hành động "tập trung, có mức độ và không leo thang", chỉ nhằm vào "hạ tầng khủng bố".

"Điều này phản ánh mục tiêu của họ trong việc định hình các cuộc tấn công này như là các cuộc tấn công vào khủng bố có căn cứ tại Pakistan, chứ không phải là hành động chiến tranh" - theo vị chuyên gia.

Về phía Pakistan, quốc gia này cũng lo ngại về một sự leo thang quân sự. Pakistan vẫn có thể đáp trả các cuộc tấn công của Ấn Độ bằng hành động quân sự, nhưng sẽ được điều chỉnh sao cho không làm căng thẳng vượt quá một mức độ nhất định, ông Sevea nói thêm.

Sẽ thế nào nếu hai bên không xuống thang?

Theo giới quan sát, một hệ quả quốc tế ngay lập tức của cuộc xung đột kéo dài là hoạt động nhập khẩu hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Kinh tế Ấn Độ ngày càng gắn kết với Đông Nam Á, với nhiều quốc gia trong khu vực đang đầu tư vào New Delhi. Nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm từ Ấn Độ và Pakistan, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo.

Malaysia nhập khoảng 40% gạo từ hai quốc gia này, trong khi Indonesia phụ thuộc vào nhập khẩu từ Ấn Độ để đáp ứng thiếu hụt sản xuất gạo trong nước.

Đối với các quốc gia như Singapore - nơi ủng hộ các tổ chức và khuôn khổ đa phương, xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ chỉ tạo ra thêm sự bất ổn cho một trật tự toàn cầu vốn đã đang thay đổi, ông Sevea nhận định.

Theo giới phân tích, cuộc chiến Ấn Độ-Pakistan có thể làm gián đoạn các dự án kết nối quan trọng như CPEC (Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan) và INSTC (Hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế).

Thương mại giữa Ấn Độ và Trung Á qua Iran và Afghanistan cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu xung đột leo thang. Kiểm soát biên giới nghiêm ngặt có thể gây khó khăn cho khu vực, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông sản và y tế.

Cuộc chiến cũng có nguy cơ kích khích các nhóm khủng bố như Jaish-e-Mohammed và Lashkar-e-Taiba gia tăng hoạt động, đồng thời tạo cơ hội cho các nhóm như IMU và IS-K tuyển mộ và tuyên truyền tại Trung Á, từ đó góp phần lan rộng chủ nghĩa khủng bố, theo trang oilprice.com.

Xung đột có thể tác động lớn đến thị trường toàn cầu. Nhà phân tích quốc phòng Michael Clarke của tờ Sky News cảnh báo rằng một cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể lan rộng ra nền kinh tế thế giới.

“Thương mại toàn cầu hiện đang ở trạng thái rất bất ổn và thế giới có thể đang đứng trên bờ vực suy thoái. Nếu xảy ra chiến tranh ở châu Á, dù chỉ là một cuộc chiến nhỏ, thì cũng sẽ gây bất lợi cho thương mại, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và trở thành một yếu tố khác đẩy thế giới vào suy thoái toàn cầu trong nửa cuối năm nay” - ông Clarke nhận định.

“Vì vậy, nếu bạn hỏi tôi rằng xung đột này trở thành chiến tranh thì hậu quả sẽ ra sao, tôi sẽ nói rằng suy thoái toàn cầu khó tránh khỏi, dù không hoàn toàn chắc chắn. Điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, thương mại bị đình trệ và chuỗi cung ứng càng thêm gián đoạn” - ông này nói thêm.

 Khói bốc lên sau khi một quả đạn pháo rơi xuống thị trấn Poonch (thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát). Ảnh: AFP

Khói bốc lên sau khi một quả đạn pháo rơi xuống thị trấn Poonch (thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát). Ảnh: AFP

Con đường hạ nhiệt và hòa bình lâu dài

Nhà nghiên cứu Iftekharul Basha từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, Singapore) cho rằng Ấn Độ cần thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo sự gắn kết xã hội và chung sống hòa bình, cũng như tôn trọng sự đa dạng.

"Việc cô lập người Hồi giáo Ấn Độ chỉ tạo điều kiện cho các phần tử cực đoan lợi dụng tình hình" - ông Basha nói.

Ông Basha cho rằng Pakistan cũng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đáng tin cậy để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực bằng cách điều tra kỹ lưỡng và trấn áp các nhóm khủng bố đang hoạt động trong lãnh thổ của mình.

Vị chuyên gia cũng nhắc đến Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) - một tổ chức kinh tế và chính trị của các quốc gia trong khu vực - và chỉ ra rằng các hiệp ước của hiệp hội như Công ước Ngăn chặn Khủng bố đã "sử dụng chưa hiệu quả" do thiếu thực thi và ý chí chính trị.

Hiệp hội này lẽ ra có thể can thiệp để giảm căng thẳng sau vụ tấn công tháng 4, nhưng sự cạnh tranh chính trị đã cản trở hiệu quả của nó. Ông Basha cho rằng SAARC có thể cân nhắc học hỏi từ các khu vực khác như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi đó, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Pakistan - ông Moeed W Yusuf thì cho rằng các động thái từ cộng đồng quốc tế chỉ mang lại sự xoa dịu tạm thời.

Theo ông Yusuf, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế chủ yếu tập trung vào việc quản lý khủng hoảng thay vì ngăn ngừa khủng hoảng, trong khi việc phòng ngừa đòi hỏi nỗ lực bền bỉ hơn nhằm thúc đẩy hai bên bình thường hóa quan hệ.

Ông Yusuf cho rằng đối thoại giữa hai quốc gia là "con đường hợp lý duy nhất", viện dẫn các trường hợp trước đây khi Ấn Độ và Pakistan đã đạt được tiến triển trong mối quan hệ sau những cuộc thảo luận nghiêm túc.

"Cộng đồng quốc tế nên tìm cách tạo điều kiện để Ấn Độ và Pakistan quay lại bàn đàm phán, với mục đích giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng theo cách chấp nhận được và bền vững cho cả hai bên. Nguy cơ căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia sở hữu hạt nhân ở Nam Á là quá lớn để thế giới có thể cho phép điều đó xảy ra" - ông Yusuf nói.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/se-the-nao-neu-an-do-va-pakistan-khong-xuong-thang-post848813.html