Sẽ triển khai thi công đồng loạt các hạng mục cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trước ngày 31/3/2023
Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ triển khai thi công đồng loạt cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trước ngày 31/3/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu kỹ lưỡng chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Thi công đồng loạt các hạng mục cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trước 31/3/2023
Trước đó, cử tri Thành phố Cần Thơ đã có kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thực hiện chủ trương và tập trung các nguồn lực để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến đường sắt cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Trả lời cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án đường bộ cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
Thời gian thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý dự án) khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Quyết định số 1311/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là đơn vị sự nghiệp công lập và là Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; có chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án và chủ đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật; hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025) có quy mô (giai đoạn 1) 4 làn xe hạn chế; mặt cắt ngang 17m; tổng chiều dài khoảng 110km; tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, Thành phố Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Dự án gồm 2 dự án thành phần: Đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài gần 37km với vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài gần 73km với vốn đầu tư 17.485 tỷ đồng.
Dự án có diện tích đất bị thu hồi khoảng 445ha. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang 226ha; đoạn Hậu Giang - Cà Mau 219ha.
Hậu Giang là địa phương dự án đi qua dài nhất với hơn 63km, chiếm hơn 57% tổng chiều dài toàn dự án. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang cho hay, sau khi nhận bàn giao xong cọc mốc GPMB đợt 3, trung tâm sẽ khẩn trương triển khai di dân và tiến hành kiểm đếm. Dự kiến sẽ hoàn thành kiểm đếm trước ngày 31/8/2022. Trước đó, đã hoàn thành công tác kiểm đếm đợt 1 và đợt 2 sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.
Được biết, hiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 2 dự án thành phần đã phê duyệt xong, đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương thu hồi đất trồng lúa và lập thủ tục để phê duyệt dự án.
Nghiên cứu kỹ lưỡng chuẩn bị đầu tư đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ
Đối với tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, tuyến có chiều dài khoảng 174 km. Dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Bộ đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng, do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và đáp ứng các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật.
Để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo các cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ và các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án.
Tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng (Thành phố Cần Thơ). Chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ lên Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 180-240 phút như hiện nay. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 169.540 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD.
Đơn vị tư vấn đánh giá đường sắt có ưu điểm nổi bật hơn so với các phương tiện vận tải khác. Một tuyến đường đôi khổ 1.435 mm có năng lực vận tải bằng 10 tuyến đường bộ cao tốc 10 làn. Đây là phương tiện có khối lượng chở lớn, an toàn, đúng giờ... và có thể phát triển giao thông kết hợp đô thị xung quanh các khu vực nhà ga hành khách và ga hàng hóa (mô hình TOD).
Khi đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ đi vào vận hành, tốc độ tối đa là 200km/h, giá thành dự kiến cao hơn vận tải bằng đường sắt thông thường khoảng 5-10%. Hiện đường sắt thông thường, vận tải hành khách tốc độ từ 55-60km/h và giá vé từ 600 - 1.000 đồng/km, vận tải hàng hóa tốc độ khoảng 45km/h và giá thành khoảng 400 đồng/km.
Đơn vị tư vấn đặt mục tiêu năm nay hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ, trước khi trình Quốc hội xin thông qua chủ trương đầu tư năm 2024.