Sẽ yêu cầu các trường mạo danh bỏ mác quốc tế
Liên quan đến vấn đề nóng của giáo dục Thủ đô những ngày qua là quy định về trường quốc tế, ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Với các trường trong quyết định thành lập không có chữ 'quốc tế' nhưng cứ đưa thêm vào 'mạo danh' quốc tế để thu hút học sinh là sai. Yêu cầu các đơn vị này bỏ sự mạo danh để tránh gây hiểu nhầm cho cha mẹ học sinh.
Sáng 12/8, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục Thủ đô như quá tải trường lớp, quy định về trường quốc tế, thí điểm song bằng… được các đại biểu đề cập tại hội nghị.
Khắc phục quá tải trường lớp
Tại hội nghị, một trong những vấn đề nóng của ngành giáo dục Hà Nội những năm gần đây là việc quá tải trường lớp đã được đề cập thẳng thắn. Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, trong năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục Thủ đô đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo quy hoạch mạng lưới trường lớp. Cụ thể: Thành lập mới 77 trường học, trong đó có 38 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 15 trường THCS, 7 trường THPT; cải tạo, sửa chữa 427 trường học, trong đó mầm non có 141 trường, tiểu học 140 trường, THCS 106 trường, 40 trường trực thuộc Sở với 2450 phòng học xây mới và 2552 phòng học cải tạo, sửa chữa.
Sở GDĐT Hà Nội cũng thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đến năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, tiếp tục rà soát, xây mới nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định việc xây dựng, thành lập mới các trường học giúp giảm tải sĩ số của các trường công lập, giúp nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập cần tiếp tục được phát huy trong năm học mới. Đặc biệt là trong điều kiện Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai từ năm học 2019-2020 thì việc đảm bảo sĩ số học sinh trong một lớp theo đúng quy định của Bộ GDĐT là rất cần thiết.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định chủ trương của thành phố luôn chú trọng thực hiện việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục, tập trung ưu tiên đầu tư cho các địa phương còn khó khăn, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền của Thủ đô. Đồng thời triển khai thực hiện tốt chương trình thí điểm đào tạo song bằng trong trường phổ thông và các cuộc thi quốc tế; đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn tại các trường chuyên, trường chất lượng cao, góp phần tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của Hà Nội, toàn thành phố đã có 66,7% số trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo ngành giáo dục đào tạo thành phố tiếp tục rà soát, chuẩn hóa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa chống xuống cấp, cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Tên gọi phải đúng như quy định
Liên quan đến vấn đề nóng của giáo dục Thủ đô những ngày qua là quy định về trường quốc tế, ông Lê Ngọc Quang cho biết, hiện thành phố có 11 trường có thể gọi là “quốc tế” theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, các trường thêm chữ “quốc tế” trong tên trường chỉ có yếu tố nước ngoài, không phải trường quốc tế.
Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội có các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên hiệp quốc UNIS, Trường Trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, các trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga.
Bên cạnh đó, còn có các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (Thổ Nhĩ Kỳ)… còn nhiều trường vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như BIS & BVIS, Trường chuẩn quốc tế BIS tại biệt thự Vinhomes Riverside, trường quốc tế Việt Nam…
Thời gian tới, Sở sẽ công bố danh sách các trường được gọi là “quốc tế” và trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh biết, tránh việc hiểu sai về các trường này.
Về câu hỏi Sở GDĐT Hà Nội có đề xuất gì để tên gọi của các trường trở nên minh bạch hơn, ông Quang cho hay, tên gọi phải đúng như quy định. Luật đã quy định, tên trường gồm những yếu tố nào thì cứ đúng như thế thực hiện.
“Với các trường trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế” nhưng cứ đưa thêm vào “mạo danh” quốc tế để thu hút học sinh là sai. Chúng tôi phải yêu cầu các đơn vị này bỏ các từ mạo danh để tránh gây hiểu nhầm cho cha mẹ học sinh” - Phó Giám đốc Sở khẳng định.
Trong thời gian tới, Sở sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp có sai phạm xảy ra trước đó theo đúng quy định. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về trường “quốc tế” và chưa có chế tài để xử lý, nên Sở vẫn còn gặp những khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Vì vậy, ông Quang đề xuất cần phải luật hóa trong việc ghi tên các trường quốc tế và cả chế tài xử phạt.
* Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các ngành liên quan trong năm học 2019-2020 giải quyết dứt điểm, không để tồn tại tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm, giảm tình trạng học trái tuyến, khuyến khích các trường chất lượng cao đề xuất cơ chế tự chủ.