Sen mùa hạ ở Đức Linh

Những ngày này, đi dọc theo những cánh đồng ở các xã Sùng Nhơn, Nam Chính, thị trấn Võ Xu của huyện Đức Linh dễ dàng nhìn thấy các ao sen nối tiếp nhau trổ hoa khoe sắc và cảnh thu hoạch sen nhộn nhịp của bà con ở nơi đây.

Phong trào trồng sen bắt đầu phát triển tại huyện Đức Linh khoảng vài năm trở lại đây. Người dân nơi đây đã tận dụng, cải tạo những bàu nước, vùng trũng thấp, đưa giống sen Đài Loan vào trồng thu được lãi cao. Các xã Sùng Nhơn, Nam Chính, thị trấn Đức Tài và thị trấn Võ Xu là những địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất ở Đức Linh, với diện tích hơn 300 ha. Riêng xã Sùng Nhơn chiếm 1/4 diện tích sen của huyện. Những ao bàu tự nhiên trước đây bỏ hoang, nay đã được người dân trồng sen kín mặt nước.

Những ngày này tiết trời vào mùa hạ, những cánh đồng sen trổ hoa rộ, rợp kín mặt nước, cũng là lúc bà con tất bật thu hoạch búp sen. Ông Hoàng Xuân Hoài ở xã Sùng Nhơn có bàu nước với diện tích hơn 5 ha mặt nước, vào mùa mưa ngập nước sâu nên ông đầu tư trồng sen. Giống sen mà ông đang trồng và thu hoạch là giống Đài Loan (hạt dài). Giống này so với giống sen hạt tròn thường trồng ở các tỉnh miền Tây có năng suất không bằng, nhưng chất lượng hạt thì tốt hơn, thích hợp với thời tiết, đất đai ở đây. Vào tháng 12 (âm lịch) ông Hoài xuống giống sen và đến tháng 2, tháng 3 năm sau cho thu hoạch, tính ra chu kỳ đầu tiên là 3 tháng 15 ngày. Một vụ sen có thể thu hoạch kéo dài từ 4 đến 5 tháng, sau đó ông phát dọn cải tạo ao bàu cho sen tái sinh, chừng 3 tháng sau có thể cho thu hoạch lại. Nếu ông chăm sóc kỹ và điều kiện thời tiết thuận lợi, thì bàu sen của gia đình ông cho thu hoạch 2 vụ/năm. “Sen có sức sống mạnh mẽ, dễ trồng, ít tốn chi phí và dễ chăm sóc. Hơn nữa với cây sen, hầu hết các bộ phận đều được sử dụng vào những mục đích khác nhau, tuy nhiên trồng sen lấy đài vẫn là mục tiêu chính của người nông dân”, ông Hoài chia sẻ.

Nông dân đang thu hoạch búp sen

Theo tính toán của nhiều hộ dân nơi đây: bình quân một ha sen mỗi năm thu lãi ròng từ 30 – 50 triệu đồng. So với lúa và tất cả cây trồng khác trên cùng hiện trạng diện tích, cây sen khẳng định ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, nếu như người nông dân trồng sen kết hợp nuôi cá thì hiệu quả kinh tế còn cao hơn nhiều. Đến nay, toàn huyện có khoảng 200 ha diện tích trồng sen kết hợp nuôi cá.

Dù trồng sen thuần túy là để tăng thu nhập như một mô hình kinh tế mới của người nông dân, tuy nhiên hoa sen vẫn đem đến những giá trị tinh thần, giúp cho làng quê Đức Linh đẹp và thơ mộng hơn.

Hoa sen giúp cho làng quê trở nên đẹp và thơ mộng hơn

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/sen-mua-ha-o-duc-linh-96910.html