Sen quê thơm ngát sắc hương

Làng tôi có một đầm sen, cứ tới đầu mùa hạ hoa lại bung nở hồng. Trời miền Trung buổi ấy cũng bắt đầu chói chang oi ả, nhưng màu hồng của sen, lạ thay, lại có thể làm dịu đi cái khắc nghiệt bao đời của xứ sở.

Những búp trà sen đã thấm sương qua đêm - Ảnh: H.C.D

Những búp trà sen đã thấm sương qua đêm - Ảnh: H.C.D

Vạt đầm vốn trước đây là ruộng lúa, quanh năm nước ngập bùn lầy, chân lội xuống bùn ngập ngang đầu gối, phải cấy mạ chứ không gieo thẳng được.

Người xưa bảo “ruộng sâu trâu nái” là tốt, nhưng theo cách làm nông cơ giới bây giờ thì ruộng lầy máy móc không thể xuống được.

Thế là người ta bỏ lúa, trồng sen nông sản. Vẫn là việc nhà nông nhưng xem ra trồng sen nhàn nhã hơn và phong vị hơn. Kỳ thu hoạch, người ta ngồi trên cái ghe tre chống đi giữa hồ rồi vặt những đài sen mang về bóc lấy hạt.

Sen giữa đồng quê làm cho cảnh sắc thi vị và tạo ra thú chơi tao nhã cho những “người ham chơi”. Người bạn ham chơi của tôi là Trần Thế Vĩnh, họa sĩ vẽ chân dung có tiếng, thường đi về và vẽ ở cả hai mảnh đất Sài Gòn và quê nhà.

Một buổi chiều vừa về làng, Vĩnh rủ tôi đi làm trà sen. Món ấy tôi đã nghe nhiều, cũng đã được thưởng thức không ít lần, nhưng làm trà sen hẳn nó phải có quy trình công nghệ gì đó chứ. Vĩnh nói trà sen đơn giản chỉ là bỏ trà vào sen, thế thôi.

Hoàng hôn, chúng tôi mang theo trà ra đồng. Những búp sen cuối ngày khum cánh, chỉ chừa lại một khoảng hở.

Dùng tay nhẹ nhàng mở cánh sen đặt một nhúm trà vào, xong dùng dây chuối khô buộc đầu búp sen lại để giữ trà và đánh dấu. Qua một đêm, trà được ủ trong búp, thấm hương nhụy sen.

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi xách theo phích nước sôi và mấy món trà cụ bằng gốm mộc tới chỗ bàu sen. Trà cụ cũng không phải nguyên bộ mà được ghép lại, ấm và cốc khác nhau, chỉ có tương đồng màu sắc.

Thế nhưng chính sự lắp ghép ấy hóa ra lại hay hay, như kiểu những con người không cần giống nhau như đúc, chỉ hợp nhau ở một điểm nào đó là thành bạn, thậm chí bạn tri kỉ. Nhìn bộ trà cụ mà nghĩ đến những mối quan hệ xã hội: vợ chồng, bạn hữu, cấp trên cấp dưới,... đừng bao giờ đòi hỏi sự cầu toàn, thế mới dễ sống.

Chọn một chỗ ngồi ngay bên đầm. Khi ấy mặt trời chưa lên, chỉ một ít ánh nắng ửng dần ở phía Đông, đủ để nhìn thấy những hơi sương bám trên cánh sen và những giọt sương tròn lớn hơn còn đọng lại giữa tâm chiếc lá sen xòe ngửa.

Đầm sen rộng, qua một đêm thì búp sen đã nhú lên rất nhiều. Phải mất một lúc chúng tôi mới tìm ra hết những búp sen chứa trà được đánh dấu bằng chạc dây chuối.

Ngắt những búp sen mang vào, lột dây chuối, cánh sen lập tức bung xòe để lộ ra một nhúm trà thấm sương đêm âm ẩm. Cho trà vào ấm cùng một ít tua rua sen. Rót nước sôi vào hãm, hương trà thơm bừng lên.

Chúng tôi ngồi giữa đồng làng, uống trà buổi bình minh, tận hưởng sự yên tĩnh của một buổi sớm mai trong lành. Bạn tôi vừa từ một chốn xô bồ trở về nên cảm nhận không gian thanh bình sâu hơn.

Vừa thưởng trà, chúng tôi vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện ngày dài. Có khi là chuyện uống trà đâu đó.

Như có lần sư thầy ở một ngôi chùa từng nói say mê chuyện ướp trà. Rằng sau nương chùa có một hồ sen, buổi chiều khi sen còn he hé thì thầy thả vào nhụy một nhúm trà sao. Buổi tối sen chụm cánh, bọc lấy cái nhúm trà sao.

Qua một đêm sương, trà sao hút hương vị từ nhụy sen rồi ngấm dần. Sáng ra khẽ tay tách từng cánh sen là thu được một nhúm trà ủ vị sen thơm ngát.

Rồi thầy dạy: hoa cũng như người, vẻ ngoài dẫu thanh cao hay hèn mạt thì trong lòng vẫn có hương thơm, chỉ cần khéo một chút là ta nhận được niềm vui từ lòng nhau. Chuyện đơn giản thế nhưng lại như một triết lý sống, một bài học làm người từ chuyện ướp trà sen.

Có dịp đi du lịch đây đó, mới hay ở đâu cũng có các sản phẩm từ sen để phục phụ khách. Vào Huế thì có sen sấy khô, giữ nguyên được hình dáng tự nhiên, mang về chưng cắm trong nhà không lo tàn úa.

Đi Hội An, nhất quyết phải thưởng thức trà thảo mộc được bày bán giữa lòng phố cổ. Trà cánh sen khô cùng với sả, chanh, gừng với công thức pha chế sáng tạo đã làm nên món uống thanh lọc giúp du khách tăng cường sức khỏe trong chuyến đi chơi. Mỗi ly trà được cắm thêm một cánh sen hồng điệu đà, thỏa sức để chụp ảnh sống ảo.

Được biết món uống đặc sản của phố cổ này được sáng tạo ra bởi chàng trai có tên cúng cơm là Mót, dần dà cái tên riêng của chàng thành tên chung cho loại nước uống và người ta gọi là nước mót Hội An. Đi Hà Nội thì thưởng thức cốm làng Vòng được gói trong những lá sen lành lặn.

Đài sen, cánh sen, lá sen, hạt sen đều được dùng một cách khéo léo cho chuyện ẩm thực. Còn cuống sen, cái thứ nâng búp sen ngoi lên giữa bùn ấy có dùng được cho việc gì không? Ở Myanmar từ trăm năm trước đã có nghề dệt lụa tơ sen, sản phẩm đầu tiên được dùng để dâng tặng các nhà sư.

Những sợi tơ mỏng mảnh được chuốt ra từ cuống sen rồi se lại, xử lý kỳ công hơn so với tơ tằm. Để làm ra được một tấm lụa tơ sen là cả quá trình cầu kỳ tỉ mẩn.

Cho đến nay, lụa tơ sen vẫn là đỉnh cao của hàng trang phục và giá bán tất nhiên là đắt đỏ. Một vài nơi ở Hà Nội cũng đã bước đầu thử nghiệm sản xuất lụa tơ sen thành công.

Thế mới biết xứ sở nào cũng có sen và mỗi nơi lại sáng tạo mỗi cách khác nhau để làm nên những món ẩm thực, thú chơi riêng.

Hiếm có loài hoa nào mà mọi bộ phận đều được sử dụng triệt để như sen. Sắc hoa thì ví cho sự giản dị mà thanh cao, hương thơm thì dịu dàng mà thanh thoát, sen là biểu tượng của tinh túy và sự dâng hiến.

Sắc và hương ấy từ bùn mọc lên, như để minh chứng cho giá trị của đời sống, rằng sự thanh cao luôn được tôn quý bất kể nó xuất thân từ đâu.

Hoàng Công Danh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/sen-que-thom-ngat-sac-huong/177539.htm