Sếp bất lực khi nhân viên 'lập sòng', cắn hạt dưa ngày đầu đi làm
Thịnh Trần (Hà Nội) không hài lòng khi 2/3 nhân sự đi làm trễ trong ngày đầu tiên đi làm lại sau kỳ nghỉ Tết. Nhưng anh ngại phê bình cấp dưới, tránh tạo cảm giác tiêu cực đầu năm.
Đồng hồ đã điểm 9h30, Thịnh Trần (quận Thanh Xuân, Hà Nội), trưởng phòng kinh doanh, “ngã ngửa” khi thấy 2/3 nhân viên bộ phận anh vẫn vắng mặt trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.
"Giờ làm việc bắt đầu từ 8h30, và ai cũng biết văn phòng khai xuân vào mùng 6 Tết (ngày 15/2). Nhưng đến giờ tôi chưa nhận được tin nhắn xin phép đi làm muộn nào", anh nói với Tri thức - Znews. Dù không hài lòng, trưởng phòng này ngại mắng mỏ, phê bình nhân viên trong ngày đầu xuân năm mới.
Tình trạng nhân viên chểnh mảng là điều đang diễn ra thường xuyên tại các văn phòng trong ngày đầu năm mới.
Cấp trên nằm ở thế khó khi vừa muốn nhân viên tập trung làm việc, nhưng cũng mong muốn tạo điều kiện cho cấp dưới vui vẻ, thoải mái, ít áp lực khi trở lại văn phòng.
Những quản lý có thâm niên cho biết tình trạng này thường kéo dài đến hết tuần làm việc đầu tiên.
Quản lý loay hoay đốc thúc
Chia sẻ với CNBC, người sáng lập kiêm CEO công ty cung cấp nhân sự trợ lý ảo Assistantly Laith Masarweh cho biết tuần đầu tiên của năm mới giống như giai đoạn khởi động. Bởi vậy, chúng ta thường khó khăn khi bắt nhịp lại với guồng quay công việc.
Cảm xúc uể oải, chán nản khi đi làm sau kỳ nghỉ lễ dài ngày là điều dễ thấy, thường là dấu hiệu của tình trạng "post-holiday anxiety". Kỳ nghỉ càng kéo dài, khả năng mắc tình trạng này càng cao, và khiến những cấp trên như trưởng phòng kinh doanh Thịnh Trần phải tìm cách phù hợp để đốc thúc tinh thần làm việc.
Thế nhưng, anh cho biết nhân viên không chỉ đi làm muộn, mà còn tranh thủ làm việc riêng.
Phòng ban 12 người của anh chia thành 3-4 nhóm nhỏ. Các nhóm tụ tập ở khu vực pantry, bàn họp để bốc thăm lì xì, chụp hình và tám chuyện. Thậm chí, nhiều người còn mang theo hạt hướng dương, hạt bí từ nhà để vừa ngồi tí tách vừa buôn chuyện.
Nhận thấy màn hình máy tính của nhân viên vẫn chưa sáng đèn dù đồng hồ đã điểm 11h, Thịnh Trần buộc phải lên tiếng đốc thúc tinh thần làm việc, giúp cả phòng tránh các hình thức kỷ luật trong ngày đầu năm.
Đầu tiên, anh yêu cầu mọi người tập trung ở khu vực sinh hoạt chung, phát lì xì đến tay từng người. Sau đó, Thịnh phát biểu chúc mừng năm mới, đồng thời đề cập đến những mục tiêu chung của bộ phận trong năm nay.
Cuối cùng, anh nhắc nhở nhẹ nhàng về vấn đề đi làm muộn, cho nhân sự biết rằng lỗi vi phạm này chỉ được bỏ qua vào ngày đầu tiên trở lại văn phòng. Để xoa dịu nhân viên, anh động viên mọi người hoàn thành tốt công việc và mời cả phòng ăn trưa tại nhà hàng đối diện công ty.
“Phương pháp quản lý của tôi luôn là ‘lạt mềm buộc chặt’. Nếu thể hiện sự gay gắt với nhân sự trong ngày đầu năm, tôi dễ dàng nhận lại thái độ làm việc chống đối”, Thịnh Trần nói.
Trong khi đó, Quốc Thắng (30 tuổi, quận 4, TP.HCM), quản lý cấp trung tại một công ty tư vấn du lịch, cũng cảm thấy khó xử khi nhân viên xin nghỉ thêm nhiều ngày sau Tết.
Tính chất công việc của bộ phận Thắng đảm nhận cần đội ngũ tư vấn làm việc liên tục. Tiếng điện thoại reo liên tục từ khách hàng nhưng không có đủ nhân viên trực, khiến Thắng phải trực tiếp làm công việc đó.
“Vì ngày trở lại văn phòng vào sát cuối tuần, nhiều nhân sự xin phép tôi được nghỉ cả thứ năm, thứ sáu để kỳ nghỉ dài hơn", Thắng chia sẻ.
Dẫu vậy, anh chỉ có thể phê duyệt một số đơn xin nghỉ phép, ưu tiên cho những nhân sự ở xa hoặc có việc quan trọng chưa thể quay lại văn phòng.
Nhân sự vẫn mở sới, cắn hạt dưa tại văn phòng
“Tứ quý”, “Chặt”, “Báo”, “Về nhé!”... là những âm thanh vang ra từ văn phòng của Phương Anh (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Giáp Thìn. Những sới bài nằm rải rác trong không gian 100 m2.
“Từ hôm qua, các nhóm chat công ty tôi đã hiện thông báo liên tục. Tuy nhiên, đó không phải thông tin liên quan đến công việc, mà là tin nhắn của đồng nghiệp tôi nhắc nhau mang theo bài, lập sòng vui xuân”, Phương Anh chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Hàng loạt ván bài kéo dài suốt buổi sáng đầu năm, chính thức kết thúc khi chuông báo giờ nghỉ trưa vang lên. Quản lý của Phương Anh chỉ nhắc nhở khi nhân sự làm ồn, gây ảnh hưởng đến bộ phận khác.
Được tự do giao lưu trong buổi làm việc đầu tiên, 100% nhân viên phòng Phương Anh không khởi động máy tính. Những người không hứng thú với vận đỏ đen thì tụ tập bàn tán, buôn chuyện, hỏi thăm tình hình đón Tết.
Riêng "thủ tục" chụp hình đăng tải lên trang cá nhân, gắn tên đồng nghiệp, chọn caption phù hợp cũng ngốn đến 30 phút của Phương Anh.
Tâm Thanh (27 tuổi, quận 10, TP.HCM) cũng không còn xa lạ gì với không khí những ngày đi làm đầu tiên trong năm mới. Biết sếp cũng không muốn làm áp lực với nhân viên, cô đủng đỉnh sửa soạn rồi đến công ty lúc 10h, trễ hơn 1 tiếng so với quy định.
“Tôi đến công ty lúc mọi người còn chưa có mặt đủ. Thông thường buổi sáng đầu năm sẽ là lúc đồng nghiệp hỏi han, chúc Tết, nhận lì xì. Chúng tôi hầu như không phải làm việc", Thanh nói.
Theo lời Thanh, các quản lý tại công ty cô thường cho nhân sự tự do chúc mừng, chụp ảnh, chơi bài trong khoảng thời gian làm việc buổi sáng. Sau giờ nghỉ trưa, tất cả sẽ quay lại báo cáo tiến độ công việc cũng như tham dự các cuộc họp định kỳ.
“Tôi thấy quy định này làm cho nhân viên ý thức hơn, chỉ 'rộn ràng' trong thời gian cho phép. Chiều nay mọi người cũng sẽ về đúng giờ, đến thẳng quán ăn để liên hoan đầu năm”, Thanh chia sẻ.